Atrás
Công đoàn huyện Mỹ Tú thành lập 4 mô hình chuyển đổi số
Sáng 10.7, LĐLĐ huyện Mỹ Tú tổ chức hội nghị sơ kết hoạt động công đoàn 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, các cấp Công đoàn huyện Mỹ Tú đã làm tốt công tác chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích của đoàn viên, người lao động (NLĐ).

Có 143 đoàn viên, NLĐ bị bệnh hiểm nghèo, có hoàn cảnh khó khăn được nhận quà với tổng số tiền 76 triệu đồng và 2.145kg gạo nhân dịp Tết Nguyên đán 2024; trao 100 phần quà cho đoàn viên, đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn với kinh phí 50 triệu đồng nhân Tháng Công nhân.

Quang cảnh hội nghị sơ kết hoạt động Công đoàn 6 tháng đầu năm

CĐCS đã tổ chức trao 2.017 phần quà cho đoàn viên, người lao động với số tiền trên 613 triệu đồng. Riêng đoàn viên, NLĐ các công đoàn cơ sở (CĐCS) khu vực ngoài nhà nước còn được thưởng lương tháng 13 nhân dịp Tết dương lịch và hỗ trợ 01 tháng lương nhân dịp tết Nguyên đán 2024.

100% doanh nghiệp hỗ trợ tiền ăn giữa ca cho người lao động mức dao động từ 22.000 đồng đến 25.000 đồng/người/ngày.

Vận động được trên 135 triệu đồng Quỹ Mái ấm Công đoàn và đề nghị về trên xét 03 căn nhà Mái ấm Công đoàn cho đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở.

LĐLĐ huyện tổ chức mắt mô hình Công đoàn với chuyển đổi số tại các CĐCS Long Hưng, Mỹ Phước và CĐCS thị trấn Huỳnh Hữu Nghĩa, Mô hình “thanh toán không dùng tiền mặt” đối với một số cán bộ, đoàn viên và người dân kinh doanh tại khu vực chợ; duy trì và củng cố và nhân rộng mô hình trồng rau sạch phục vụ bếp ăn nhà trẻ tại các CĐCS trường Mầm non trên địa bàn huyện.

Ông Trần Ngọc Giang Nam - Chủ tịch LĐLĐ huyện Mỹ Tú - cho biết, 6 tháng cuối năm 2024, các cấp Công đoàn tiếp tục quan tâm tham gia đảm bảo việc làm bền vững, cải thiện thu nhập của cán bộ công chức, viên chức, đoàn viên, người lao động. Tập trung phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS, tăng tỉ lệ đoàn viên trên tổng số công nhân, lao động ở những nơi đã thành lập công đoàn.

Lãnh đạo LĐLĐ huyện Mỹ Tú trao bằng khen của Tổng LĐLĐ Việt Nam cho một cá nhân

Dịp này, có 1 tập thể được nhận Bằng khen của Tổng LĐLĐ Việt Nam; 1 tập thể và 2 cá nhân được nhận Bằng khen của LĐLĐ tỉnh Sóc Trăng.

CĐCS thị trấn Huỳnh Hữu Nghĩa với mô hình "Dịch vụ công trực tuyến"; CĐCS Trường THCS Huỳnh Hữu Nghĩa với mô hình "Cuộc họp không giấy"; CĐCS xã Long Hưng với 2 mô hình "Dịch vụ công trực tuyến" và "Mô hình thanh toán không dùng tiền mặt" đối với một số cán bộ, đoàn viên và người dân kinh doanh tại khu vực chợ. Các mô hình này giúp người dân có những công cụ thuận tiện khi thực hiện các thủ tục hành chính.

PHƯƠNG ANH


Atrás
Quốc hội chính thức “chốt” phương án tăng thêm 1 ngày nghỉ lễ
Với 90,06% số đại biểu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Bộ luật Lao động sửa đổi, thống nhất tăng tuổi nghỉ hưu; tăng thêm 1 ngày nghỉ lễ trong năm cho người lao động.

          Có lộ trình điều chỉnh giảm giờ làm việc bình thường

        Sáng 20.11, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự án Bộ luật Lao động sửa đổi. 
        Theo báo cáo, một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự thảo bộ luật đã được làm rõ, cũng như nêu hướng điều chỉnh, chỉnh lý, ý kiến của Ủy ban Thường  vụ Quốc hội về các vấn đề này.                        

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày báo cáo. 

        Về thời giờ làm việc bình thường (Điều 105), nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị giảm giờ làm việc bình thường từ 48 giờ/tuần xuống 44 giờ/tuần. Một số ý kiến đại biểu đề nghị giữ như quy định hiện hành về thời giờ làm việc bình thường là 48 giờ/tuần, đồng thời có ý kiến đại biểu đề nghị cần hết sức cân nhắc khi thay đổi quy định về thời giờ làm việc bình thường trong bối cảnh hiện nay, do đây là vấn đề lớn, chưa có đánh giá tác động một cách đầy đủ.
         Về nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng ý kiến phát biểu của các vị đại biểu Quốc hội là rất xác đáng, việc tăng lương, giảm giờ làm, cải thiện và nâng cao điều kiện lao động đối với người lao động là xu hướng tiến bộ của thế giới.
        Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã báo cáo Quốc hội tại Báo cáo số 466/BC-UBTVQH14 ngày 22.10.2019, lúc đó, Chính phủ chưa đánh giá tác động về kinh tế - xã hội đối với vấn đề này.
        Vì vậy, cơ quan chủ trì thẩm tra đã chủ động đề nghị Chính phủ phối hợp tiếp thu, giải trình ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, trong đó thể hiện quan điểm của Chính phủ về nội dung này.
        Chính phủ đã có Công văn số 561/CP-PL ngày 6.11.2019 đề nghị “trước mắt giữ nguyên thời giờ làm việc bình thường như quy định của Bộ luật hiện hành” và “có lộ trình điều chỉnh giảm giờ làm việc bình thường vào thời điểm thích hợp”.
         Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin tiếp thu và báo cáo Quốc hội việc từng bước giảm giờ làm theo hướng sẽ ghi vào Nghị quyết của kỳ họp: Giao Chính phủ căn cứ tình hình phát triển kinh tế - xã hội, đề xuất giảm giờ làm việc bình thường thấp hơn 48 giờ/tuần; đồng thời, giữ quy định “Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40 giờ đối với người lao động” tại Điều 105 về thời giờ làm việc bình thường.
         Trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ có các quy định triển khai cụ thể; đặc biệt, cần phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tổ chức đại diện người sử dụng lao động hướng dẫn về cơ chế thương lượng tập thể hiệu quả để từng bước thực hiện cho được việc giảm giờ làm việc bình thường, bảo đảm hài hòa lợi ích của các bên.

          Không tăng giờ làm thêm

        Về nội dung mở rộng khung giờ làm thêm tối đa, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đồng ý với Phương án 1 quy định như Bộ luật Lao động hiện hành. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, giữ nguyên khung giờ làm thêm, nhưng cần ghi rõ thời gian làm thêm giờ theo tháng là 40 giờ/tháng, thay vì 30 giờ/tháng và bổ sung quy định cụ thể về các trường hợp được tổ chức làm thêm giờ từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong một năm.

         Thống nhất tăng tuổi nghỉ hưu
        Về tuổi nghỉ hưu (khoản 2 Điều 169), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo xin ý kiến đại biểu Quốc hội, kết quả có 371 đại biểu Quốc hội tham gia ý kiến về nội dung này thì có 280 đại biểu Quốc hội đồng ý Phương án 1 là: “Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.
         Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam và 04 tháng đối với lao động nữ”. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu và thể hiện trong dự thảo Bộ luật.
         Tăng thêm ngày nghỉ lễ
        Về nghỉ lễ, tết (Điều 112), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo xin ý kiến, kết quả có 402 đại biểu Quốc hội cho ý kiến về nội dung này và có 370 đại biểu Quốc hội đồng ý bổ sung một (01) ngày người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương.
        Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu và ghi trong dự thảo Bộ luật, bổ sung thêm một ngày nghỉ vào ngày liền kề với Ngày Quốc khánh 2.9

         90,06% số đại biểu tán thành thông qua 
         Sau khi nghe bà Nguyễn Thúy Anh trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi), Quốc hội đã biểu quyết về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau và toàn bộ dự thảo Bộ luật.

Kết quả biểu quyết Bộ luật Lao động sửa đổi.

       Kết quả, có 453 đại biểu tham gia biểu quyết, 435 đại biểu tán thành (chiếm 90,06%), 9 đại biểu không tán thành và 9 đại biểu không biểu quyết.
      Như vậy, với 90,06% số đại biểu tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Bộ luật Lao động sửa đổi, thống nhất tăng tuổi nghỉ hưu, tăng thêm 1 ngày nghỉ lễ trong năm cho người lao động.

ĐẶNG CHUNG - CAO NGUYÊN

Nguồn: https://laodong.vn/thoi-su/quoc-hoi-chinh-thuc-chot-phuong-an-tang-them-1-ngay-nghi-le-767154.ldo


liên kết web

LƯỢT TRUY CẬP LƯỢT TRUY CẬP

 
Tổng lượt truy cập