Atrás
Hướng về cơ sở, chăm lo thiết thực cho người lao động
Phát huy truyền thống vẻ vang của Công đoàn Việt Nam, qua 32 năm xây dựng và phát triển, LĐLĐ tỉnh Sóc Trăng đã có nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả, hướng về cơ sở nhằm chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích cho đoàn viên, người lao động.

Đẩy mạnh các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động

Cách đây 95 năm, ngày 28/7/1929, tại Hà Nội, Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ, tiền thân của tổ chức Công đoàn Việt Nam chính thức được thành lập. Sự kiện này có ý nghĩa hết sức to lớn đối với phong trào công nhân Việt Nam. Lần đầu tiên giai cấp công nhân Việt Nam có một đoàn thể cách mạng rộng lớn, hoạt động có tôn chỉ, mục đích, phản ánh được ý chí, nguyện vọng của đông đảo công nhân lao động. Với ý nghĩa trên, Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ V (tháng 11/1983) đã thông qua nghị quyết lấy ngày 28/7/1929 - ngày thành lập Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ làm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam.

Cùng với việc tái lập tỉnh Sóc Trăng vào năm 1992, Công đoàn tỉnh Sóc Trăng cũng được thành lập và đi vào hoạt động. Từ đầu nhiệm kỳ, toàn tỉnh có 14.411 đoàn viên công đoàn sinh hoạt tại 400 công đoàn cơ sở trực thuộc, 6 LĐLĐ huyện, thị xã; 6 công đoàn ngành với 49 cán bộ công đoàn chuyên trách. Qua từng giai đoạn phát triển, tổ chức Công đoàn tỉnh đã luôn thực hiện hiệu quả vai trò đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân viên chức, lao động (CNVCLĐ).

Đồng chí Lâm Văn Mẫn - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng (thứ 3 từ phải qua) cùng đồng chí Nguyễn Thanh Sơn - Tỉnh ủy viên, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Sóc Trăng (thứ 4 từ phải qua) tặng quà cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: HẢI HÀ 

Sau 32 năm tái lập tỉnh, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng bộ tỉnh, của Tổng LĐLĐ Việt Nam, các cấp công đoàn tỉnh đã có sự lớn mạnh về mọi mặt. Đến nay, toàn tỉnh có 15 LĐLĐ huyện, thị xã, thành phố, công đoàn ngành và tương đương, với hơn 64.000 đoàn viên thuộc 1.102 công đoàn cơ sở. Các phong trào thi đua yêu nước được công đoàn các cấp tập trung đổi mới nội dung, hình thức theo hướng có chất lượng, hiệu quả thiết thực. Công tác chăm lo đời sống, trong CNVCLĐ được các cấp công đoàn triển khai thường xuyên, hướng về cơ sở.

Trong nhiệm kỳ 2018 - 2023, các cấp công đoàn trong tỉnh đã hỗ trợ xây mới và sửa chữa 324 căn nhà “Mái ấm công đoàn” trị giá trên 14 tỷ đồng, vượt 29,6% so với chỉ tiêu nhiệm kỳ (vượt 74 căn). Các phong trào thi đua đã được các cấp công đoàn tích cực hưởng ứng, với nội dung phong phú, hình thức phù hợp với từng đơn vị. Qua phát động các phong trào thi đua đã có 41.098 giải pháp, sáng kiến được áp dụng trong thực tiễn, mang lại hiệu quả thiết thực; 834 công trình, sản phẩm hoàn thành với tổng trị giá trên 520 tỷ đồng, làm lợi trên 12,4 tỷ đồng. Đặc biệt là, từ năm 2023, LĐLĐ tỉnh đã phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề trước kỳ họp Quốc hội giữa đại biểu Quốc hội với công nhân lao động. Qua đó, đoàn viên, người lao động đã trực tiếp bày tỏ tâm tư, nguyện vọng và có những kiến nghị, đề xuất từ thực tế lao động, sản xuất đến lãnh đạo các cấp. Các cấp công đoàn còn chủ động tìm đối tác, đàm phán, ký kết các thỏa thuận hợp tác với các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp nhằm mang lại những lợi ích thiết thực cho người lao động.

Đồng chí Hồ Thị Cẩm Đào - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh  (thứ 10 từ phải qua)  và đồng chí Trần Văn Lâu - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng  (thứ 11 từ phải qua)  trao quà cho đoàn viên, người lao động  có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: HẢI HÀ

Tập trung thực hiện 3 khâu đột phá

Trước yêu cầu phát triển của tỉnh trong giai đoạn mới, LĐLĐ tỉnh đã và đang thay đổi phương thức tổ chức, hoạt động nhằm đáp ứng thời cơ và thách thức hiện nay. Theo đồng chí Nguyễn Thanh Sơn - Tỉnh ủy viên, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh, với phương châm “Đổi mới - Dân chủ - Đoàn kết - Phát triển” của nhiệm kỳ 2023 - 2028, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh đã chỉ đạo các cấp công đoàn tập trung triển khai thực hiện 3 khâu đột phá gồm: Tập trung thực hiện nhiệm vụ đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, CNVCLĐ, trọng tâm là thương lượng, đối thoại về tiền lương; xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn, nhất là chủ tịch công đoàn cơ sở khu vực ngoài nhà nước có trí tuệ, bản lĩnh, tâm huyết, uy tín, trách nhiệm; thực hiện chuyển đổi số trong công tác truyền thông, quản lý đoàn viên và công tác tài chính công đoàn, phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở theo chỉ tiêu Tổng LĐLĐ Việt Nam giao.

Cụ thể hơn, LĐLĐ tỉnh sẽ đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 02-NQ/TW, ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”; Nghị quyết Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam và Nghị quyết Đại hội XI Công đoàn tỉnh Sóc Trăng, nhiệm kỳ 2023 - 2028. Đồng thời sơ, tổng kết các chương trình, kế hoạch, các mô hình thi đua triển khai nhân rộng trong phong trào CNVCLĐ và hoạt động Công đoàn. LĐLĐ tỉnh cũng chọn khâu đột phá trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn, nhất là công đoàn cơ sở khu vực ngoài nhà nước giỏi về chuyên môn, thạo về kỹ năng quản lý kinh tế, kỹ năng quản trị tại doanh nghiệp, ngoại ngữ. Nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động của đoàn viên, người lao động.

Dưới sự chứng kiến của đồng chí Nguyễn Xuân Hùng - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam (đứng giữa hàng sau) và các đại biểu,  lãnh đạo  LĐLĐ  tỉnh Sóc Trăng ký kết thỏa thuận hợp tác với các doanh nghiệp. Ảnh: HẢI HÀ

Đánh giá về hoạt động Công đoàn trong thời gian qua, đồng chí Hồ Thị Cẩm Đào - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cho biết, các cấp công đoàn trong tỉnh đã chủ động, sáng tạo, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động để thu hút, tập hợp ngày càng đông đảo CNVCLĐ. Trong tổ chức hoạt động luôn hướng về cơ sở và người lao động, kể cả khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước, chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động. Các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động được các cấp công đoàn tổ chức linh hoạt, đa dạng, hiệu quả, thiết thực, phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương.

Bằng những việc làm thiết thực và có hiệu quả, tổ chức Công đoàn Sóc Trăng ngày càng được củng cố và phát triển. Đội ngũ công nhân, lao động ngày càng xứng đáng là lực lượng nòng cốt của khối liên minh công - nông - trí thức, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần tích cực thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh. Thành tích đó còn là sự kết tinh của quá trình nỗ lực, rèn luyện liên tục của các thế hệ công nhân, lao động, các thế hệ cán bộ, đoàn viên công đoàn trong tỉnh từ ngày LĐLĐ tỉnh được thành lập đến nay.

HẢI HÀ - BÁO SÓC TRĂNG


Atrás
Khẳng định vai trò của Công đoàn và NLĐ trong phát triển đất nước
75 năm kể từ ngày Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập trên Quảng trường Ba Đình, ở mỗi giai đoạn lịch sử của đất nước, tổ chức Công đoàn Việt Nam đều có những đóng góp quan trọng và khẳng định vai trò trong sự phát triển, trưởng thành của đất nước.

        Những đóng góp quan trọng
       Công tác vận động giai cấp công nhân (GCCN) và Công đoàn (CĐ) được tiến hành đa dạng các hình thức tập hợp và sử dụng phương pháp vận động thích hợp với từng giai đoạn cụ thể, lĩnh vực ngành nghề sản xuất, đối tượng vận động thuộc các thành phần kinh tế, loại hình doanh nghiệp để có những đóng góp to lớn trong kinh tế cũng như bảo vệ Tổ quốc.
       Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Công đoàn Việt Nam (CĐVN) thực sự là trung tâm đoàn kết của công nhân lao động (CNLĐ) Việt Nam. Với trên 20 vạn người trong năm 1945, các đoàn viên CĐ trở thành lực lượng nòng cốt làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước Công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Nguyễn Đình Khang thăm một gia đình công nhân tỉnh Bắc Ninh năm 2019. Ảnh: Hải Nguyễn       

        Trong những năm đầu đất nước giành độc lập, tổ chức CĐ và GCCN Việt Nam đã có nhiều đóng góp quan trọng trong việc bảo vệ và phát huy thành quả của cuộc Cách mạng Tháng Tám, tham gia tích cực vào cuộc Tổng Tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Thực hiện nhiệm vụ vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN) đã tổ chức vận động công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) tập trung xây dựng nhà máy, công xưởng, sản xuất vũ khí, khí tài quân sự; khắc phục khó khăn, hăng hái thi đua lao động phục vụ kháng chiến…

       Đồng hành cùng đất nước
      Trong quá trình hoạt động, tổ chức CĐ luôn nhận được sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng, sự quan tâm của Quốc hội, Chính phủ. Bên cạnh các cuộc làm việc định kỳ giữa Thủ tướng Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, Tổng LĐLĐVN đã tham mưu, đề xuất để Thủ tướng Chính phủ 5 lần gặp gỡ, đối thoại với CNLĐ, góp phần giải quyết kịp thời nhiều khó khăn, vướng mắc, tạo hiệu ứng để lãnh đạo các địa phương, đơn vị gặp gỡ, đối thoại, giải quyết kịp thời các kiến nghị, đề xuất chính đáng của người lao động (NLĐ), để lại ấn tượng đẹp trong đoàn viên, NLĐ cả nước...
      Gần đây nhất là sự chung tay, đóng góp cùng cả nước phòng, chống dịch COVID-19 của tổ chức CĐ. Với tinh thần CĐVN đồng hành cùng doanh nghiệp (DN) và Chính phủ, vì việc làm bền vững và thu nhập ngày càng cao của NLĐ, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN đã đồng ý cho các DN sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 (DN có số lao động đang tham gia BHXH phải tạm thời nghỉ việc từ 50% trong tổng số lao động thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc trở lên) được lùi thời điểm đóng kinh phí CĐ 6 tháng đầu năm 2020 đến ngày 30.6.2020. Nếu sau thời điểm này, dịch COVID-19 chưa thuyên giảm và DN còn tiếp tục khó khăn thì thời gian được lùi đến ngày 31.12.2020.
      Tiếp đó, ngày 29.7. 2020, Tổng LĐLĐVN đã có văn bản về miễn đóng đoàn phí CĐ, bổ sung đối tượng không phải đóng đoàn phí CĐ: “Đối với đoàn viên CĐ có thu nhập thấp hơn mức lương cơ sở thì không phải đóng đoàn phí CĐ trong thời gian hưởng mức thu nhập nêu trên”. Thời gian thực hiện miễn đóng đoàn phí CĐ do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 chỉ áp dụng cho đến hết thời điểm ngày 31.12.2020. Tổng LĐLĐVN cũng Ban hành Quyết định 643/QĐ-TLĐ ngày 22.5.2020 về việc hỗ trợ cho đoàn viên, NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 từ nguồn tài chính CĐ và các nguồn huy động xã hội khác với tổng giá trị dự kiến hỗ trợ NLĐ gần 500 tỉ đồng…
        Nối tiếp những hoạt động đóng góp, đồng hành và trực tiếp tham gia cùng Chính phủ, Nhà nước xây dựng đất nước, tổ chức CĐVN đã đặt ra một số nhiệm vụ. Trước mắt, những tháng cuối năm 2020, dự báo dịch bệnh COVID-19 tiếp tục có những tác động đến tình hình sản xuất kinh doanh của DN, trực tiếp là việc làm, đời sống của NLĐ. Để hoàn thành được mục tiêu kép - đồng hành cùng DN khôi phục sản xuất kinh doanh, chăm lo cho NLĐ và tiếp tục thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch, cụ thể hóa chủ đề năm “Nâng cao chất lượng hoạt động CĐCS”, các cấp CĐ tập trung tham gia kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật lao động, chính sách đối với NLĐ. Phát động phong trào thi đua nâng cao năng suất, chung tay cùng DN vượt qua khó khăn; phối hợp thực hiện công tác đào tạo, đào tạo lại cho NLĐ để nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, sẵn sàng thích ứng với yêu cầu tình hình mới. Tiếp tục triển khai chương trình “Chăm lo phúc lợi, lợi ích cho đoàn viên CĐ, giai đoạn 2019-2023”; nhân rộng các mô hình thiết thực chăm lo lợi ích vật chất, tinh thần cho đoàn viên và NLĐ. Xây dựng kế hoạch chăm lo cho đoàn viên và NLĐ trong dịp Tết Nguyên đán 2021 với mục tiêu không để NLĐ nào không có Tết...

THU TRÀ

Nguồn:https://laodong.vn/cong-doan/khang-dinh-vai-tro-cua-cong-doan-va-nld-trong-phat-trien-dat-nuoc-832445.ldo 


liên kết web

LƯỢT TRUY CẬP LƯỢT TRUY CẬP

 
Tổng lượt truy cập