Atrás
Thành lập Nghiệp đoàn xe ôm phòng, chống tội phạm tại huyện Thạnh Trị
Nghiệp đoàn xe ôm phòng, chống tội phạm thực hiện có hiệu quả công tác đảm bảo an ninh trật tự trong tình hình mới.

Chiều 21.8, LĐLĐ huyện Thạnh Trị (tỉnh Sóc Trăng) phối hợp UBND thị trấn Phú Lộc tổ chức ra mắt mô hình Nghiệp đoàn xe ôm phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội.

Đến dự, có đồng chí Trịnh Thị Bảo Khuyên - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Sóc Trăng.

Đồng chí Trịnh Thị Bảo Khuyên - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh (hàng trước, thứ 6 từ trái sang) và lãnh đạo địa phương chụp ảnh lưu niệm cùng nghiệp đoàn trong ngày ra mắt. Ảnh. Trường Khoa

Nghiệp đoàn có nhiệm vụ thường xuyên trao đổi thông tin với lực lượng Công an thị trấn về tình hình hoạt động của các loại đối tượng, gắn với các mô hình hoạt động có hiệu trên địa bàn đến quần chúng nhân dân chủ động ứng phó khi có tội phạm xảy ra.

LĐLĐ huyện Thạnh Trị (tỉnh Sóc Trăng) ra mắt Nghiệp đoàn xe ôm phòng chống tội phạm với 35 thành viên. Ảnh. Trường Khoa

Đồng chí Lâm Quang Toản - Chủ tịch LĐLĐ huyện Thạnh Trị - cho biết, việc xây dựng mô hình Nghiệp đoàn xe ôm phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội nhằm hỗ trợ đoàn viên khu vực phi chính thức có điều kiện phát triển, thay đổi cuộc sống của mình và gia đình.

Đồng thời, nâng cao chất lượng sinh hoạt của Ban chấp hành Nghiệp đoàn, làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, thu đoàn phí công đoàn để có điều kiện chăm lo tốt hơn cho đoàn viên, người lao động.

ANH KHOA


Atrás
Đoàn viên Công đoàn hào hứng với văn hóa công sở
Hội thi Nét đẹp văn hóa công sở thu hút đông đảo đoàn viên, người lao động tham gia.

Ngày 18.3, Liên đoàn Lao động huyện Châu Thành (tỉnh Sóc Trăng) phối hợp Trung tâm Văn hóa - Thể thao - Truyền thanh huyện tổ chức Hội thi Nét đẹp văn hóa công sở lần thứ nhất, năm 2025.

Các đoàn viên, CNVCLĐ nhiệt tình tham gia Hội thi. Ảnh: Tô La

Hội thi có sự tham gia của 28 đội thi với hơn 400 thí sinh là đoàn viên, công chức, viên chức, người lao động đến từ các cơ quan, đơn vị trong huyện. Các đội lần lượt trình diễn, giới thiệu nét đẹp đặc sắc, duyên dáng của trang phục áo dài; sự thanh lịch, tiện ích của trang phục công sở trong môi trường làm việc chuyên nghiệp, hiện đại và trang phục công đoàn thể hiện sự nhiệt huyết, đoàn kết và đổi mới.

Qua nhiều phần thi, Ban tổ chức đã trao giải nhất cho Công đoàn cơ sở Trung tâm y tế huyện; 1 giải nhì; 3 giải ba; 9 giải chuyên đề cho các đội có thí sinh mặc trang phục Áo dài đẹp, Áo công sở đẹp và Áo công đoàn đẹp.


Ban tổ chức trao giải cho đội có thành tích xuất sắc. Ảnh: Tô La

Theo Liên đoàn Lao động huyện Châu Thành (tỉnh Sóc Trăng), hội thi là sân chơi văn hóa lành mạnh, bổ ích, phát huy thế mạnh của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong môi trường công sở với trang phục gọn gàng, nhã nhặn, tạo nên sự giao tiếp, ứng xử văn hóa, cởi mở, thân thiện với đồng nghiệp và người dân.

Thông qua hội thi góp phần xây dựng hình ảnh đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động gương mẫu, chuyên nghiệp, trách nhiệm, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của đơn vị và địa phương.

MỸ DUNG


Atrás
Doanh nghiệp Sóc Trăng vừa thiếu vừa thừa lao động
Do ảnh hưởng suy thoái kinh tế thế giới, nhiều doanh nghiệp bị sụt giảm đơn hàng, không có đơn hàng mới nên buộc phải cắt giảm lao động; trong khi đó, nhiều doanh nghiệp lại thiếu lao động do mở rộng sản xuất, nhất là tình trạng nghỉ việc, nhảy việc. Nhiều doanh nghiệp Sóc Trăng rơi vào cảnh vừa thừa vừa thiếu lao động sau tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Tuyển lao động thế chỗ người nghỉ, mở rộng sản xuất
Tình trạng thiếu hụt lao động sau kỳ nghỉ Tết dần quen thuộc với các doanh nghiệp không riêng tại tỉnh Sóc Trăng, dù nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực giữ chân người lao động trong bối cảnh hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn.
Nhờ chủ động, linh hoạt trong sản xuất, kinh doanh, doanh số năm 2022 của Công ty Cổ phần Chế biến thủy sản Tài Kim Anh đạt 119 triệu USD, tăng 17% so với năm 2021, nên lương, thưởng Tết vừa qua cũng tăng theo. Nhưng theo đại diện công ty, hiện người lao động quay lại làm việc sau Tết chỉ khoảng 600/800 lao động so với trước Tết. Vì vậy, công ty đã có kế hoạch tuyển thêm từ 300 - 400 lao động để đào tạo, phục vụ sản xuất trong thời gian tới. Ngoài ra, công ty có kế hoạch xây dựng các sân bóng chuyền, cầu lông… để tạo sân chơi cho người lao động và đây được xem là chính sách thu hút lao động, để họ gắn bó lâu dài với doanh nghiệp lúc ổn định hay khó khăn trong tương lai.
Cùng cảnh ngộ với các doanh nghiệp trong tỉnh, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Khánh Sủng cũng tuyển thêm khoảng 500 lao động để bù vào phần lao động nghỉ việc và phục vụ cho xưởng sản xuất mới sắp đi vào hoạt động. Thời gian qua, công ty gặp không ít khó khăn, tuy nhiên công ty vẫn duy trì được sản xuất, kinh doanh, đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động, đồng thời khen thưởng lương tháng 13 cho công nhân lao động trong dịp tết Nguyên đán vừa qua.

Đồng chí Lâm Văn Mẫn - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng (thứ 4 từ phải sang) thăm hỏi, động viên người lao động đang làm việc tại công ty thủy sản trong tỉnh. Ảnh: HOÀNG LAN

Để tìm việc, người lao động chỉ cần dạo một vòng quanh Khu Công nghiệp An Nghiệp hoặc qua thông tin từ người thân, bạn bè đang làm việc tại đây, có thể dễ dàng tìm thấy các thông tin tuyển dụng. Đơn cử như Công ty Trách nhiệm hữu hạn E&W VINA chuyên may đồ bảo hộ y tế, khẩu trang… cũng treo băng rôn công khai thông tin tuyển lao động thường xuyên, với mức lương từ 5,5 triệu - 7 triệu đồng/người/tháng, kèm các chế độ theo quy định của pháp luật như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và các khoản ưu đãi khác theo chính sách riêng của công ty.
Thế nhưng việc tuyển dụng lao động không hề dễ, bởi mức lương hiện tại của các doanh nghiệp trong tỉnh so với các tỉnh, thành phố lớn có sự chênh lệnh lớn nên người lao động chấp nhận cảnh tha hương chứ không làm việc tại tỉnh; các chính sách đãi ngộ, thu hút lao động của các doanh nghiệp trong tỉnh chưa đủ hấp dẫn để người lao động chọn gắn bó dài lâu; tâm lý người lao động (nhất là lao động trẻ) thích đi làm xa nhà (đi theo bạn bè cùng trang lứa); các dịch vụ vui chơi, giải trí tại tỉnh chưa đáp ứng được nhu cầu của người lao động; các công trình phúc lợi (như nhà ở, trường học, chợ…) cũng chưa được đầu tư xây dựng. Bên cạnh đó, nguyên nhân nhiều doanh nghiệp khó tuyển được người lao động một phần cũng do người lao động không muốn bị ràng buộc (ký kết hợp đồng lao động) để có thể dễ nhảy việc, hoặc nghỉ làm khi không còn nhu cầu, về phía doanh nghiệp nếu tuyển dụng đối tượng này mà không có hợp đồng thì trái quy định pháp luật…
Chấm dứt hợp đồng lao động vì không có đơn hàng
Doanh nghiệp tuyển dụng lao động đã khó nhưng chưa khó bằng doanh nghiệp “thừa” lao động nên buộc phải chấm dứt hợp đồng, bởi điều đó phản ánh họ gặp rất nhiều khó khăn. Đơn cử như Công ty Cổ phần thực phẩm Thái Hòa, thành lập vào thời điểm năm 2020 chưa kịp ổn định sản xuất, năm 2021 đối mặt với đại dịch Covid-19, bước sang năm 2022 thì chịu tác động suy thoái kinh tế thế giới, xung đột giữa Nga và Ukraina, mà thị trường chủ lực của công ty là châu Âu, từ chỗ doanh nghiệp có 1.200 lao động nay chỉ còn trên dưới 500 lao động. Để duy trì sản xuất, kinh doanh và việc làm, thu nhập cho người lao động, công ty phải chuyển sang gia công cho các doanh nghiệp khác để hưởng tiền giá trị gia tăng ít ỏi để trả mức lương bình quân 5 triệu đồng/người/tháng cho người lao động.

 


Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu khảo sát, nắm tình hình hoạt động của Công ty Cổ phần Thực phẩm Thái Hòa - một trong những doanh nghiệp phải cắt giảm lao động do không có đơn hàng. Ảnh: HOÀNG LAN

Theo các doanh nghiệp, dự báo tình hình khó khăn vẫn còn tiếp tục kéo dài đến hết quý II năm 2023, vì vậy, việc doanh nghiệp cắt giảm lao động trong thời gian tới khó tránh khỏi. Tuy nhiên, từ đầu quý III, kinh tế thế giới sẽ khả quan hơn, vì vậy doanh nghiệp cũng chuẩn bị trước nguồn lao động để kịp sản xuất khi có đơn đặt hàng trở lại. Thông tin từ Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh, hiện các doanh nghiệp trong khu công nghiệp cần tuyển dụng khoảng vài ngàn lao động, để bù đắp cho số lao động nghỉ việc, nhảy việc sau Tết, mở rộng sản xuất, nhà máy mới đi vào hoạt động. Do vậy, người lao động cần cân nhắc và lựa chọn công việc phù hợp để ổn định việc làm, thu nhập và gắn bó dài lâu với doanh nghiệp.
Cần chính sách thu hút lao động phù hợp
Trong chuyến khảo sát, nắm tình hình hoạt động của doanh nghiệp ngay sau tết Nguyên đán 2023, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Lâu khẳng định, sẽ đồng hành, hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp hoạt động, vì doanh nghiệp phát triển sẽ tạo nhiều công ăn việc làm hơn cho người dân, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh phát triển. Ngoài ra, dự kiến trong năm 2023, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và tỉnh sẽ khởi công xây dựng Khu Thiết chế Công đoàn tại Khu Công nghiệp An Nghiệp tỉnh Sóc Trăng có quy mô 5,06ha để xây dựng quảng trường, nhà văn hóa thể thao đa năng và khoảng 1.000 căn nhà ở công nhân dạng chung cư để phục vụ người lao động tại khu công nghiệp.
Bên cạnh sự quan tâm của các ngành, các cấp, bản thân các doanh nghiệp cũng cần có giải pháp để phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh khó khăn chung; có kế hoạch tuyển dụng nhân sự, nhất là quan tâm xây dựng chính sách về lương, thưởng, phúc lợi cho người lao động; phối hợp với tổ chức công đoàn quan tâm chăm lo tốt sức khỏe, đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động; thường xuyên lắng nghe tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người lao động; giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc của họ, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người lao động.
Tin rằng, với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền trong đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi, đồng hành cùng doanh nghiệp sẽ vượt khó và quan trọng nhất là doanh nghiệp cần có các chính sách đãi ngộ phù hợp thì người lao động nhất định sẽ chọn gắn bó lâu dài cùng doanh nghiệp, để cùng phát triển bền vững, ổn định.

HOÀNG LAN


liên kết web

LƯỢT TRUY CẬP LƯỢT TRUY CẬP

 
Tổng lượt truy cập