Atrás
Điểm tựa cho người bán vé số dạo
Những người bán vé số dạo đa phần là trẻ em, phụ nữ, người lớn tuổi, người nghèo, hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống. Nghề bán vé số dạo cũng không nằm trong danh mục ngành nghề nào, không hợp đồng lao động. Từ thực tế này, tỉnh Sóc Trăng đã thành lập được 3 nghiệp đoàn bán vé số với 67 đoàn viên tham gia.

Một buổi sinh hoạt định kỳ của Nghiệp đoàn bán vé số Trần Đề (huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng). Ảnh: Phương Anh

Bước chân vạn dặm

Với mỗi tờ vé số bán được, người bán chỉ lãi được khoảng 1.000 đồng. Tùy vào sức khỏe, lứa tuổi mỗi ngày có người nhận từ vài chục đến vài trăm tờ vé số để bán.

“Có khi bán được thì lời cũng khoảng 100.000 đồng, lắm lúc chỉ đủ mua 1kg gạo là nhiều. Chưa kể việc đại lý không cho trả lại vé số bán “ế”’ - ông Lin - một người bán vé số dạo ở huyện Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng) - cho biết.

Cũng theo ông Lin, nghề bán vé số đòi hỏi phải đi nhiều, gặp nhiều người để mời gọi nên hầu như mỗi ngày ông đều di chuyển hàng chục cây số để bán bất chấp nắng mưa. “Hôm nào gặp được đám tiệc đông người ta mua nhiều mình bán nhanh, còn không thì phải đi khắp hết các tuyến đường để mời gọi mọi người. Có khi mưa gió không ai mua thì coi như hôm đó ôm hết vé số này” - ông Lin nói.

Điểm tựa cho người bán vé số dạo

Tháng 5 vừa qua, LĐLĐ huyện Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng) thành lập Nghiệp đoàn bán vé số Trần Đề với 30 thành viên tham gia - đây cũng là Nghiệp đoàn bán vé số đầu tiên của tỉnh Sóc Trăng.

Ông Hoa Trần Thế - Chủ tịch LĐLĐ huyện Trần Đề - cho biết, việc thành lập Nghiệp đoàn nhằm tập hợp người bán vé số trên địa bàn vào một tổ chức để các thành viên có nơi sinh hoạt, nâng cao kiến thức. LĐLĐ huyện cũng sẽ là cầu nối trong việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người bán vé số để có những đề xuất với công ty, kịp thời đáp ứng cho NLĐ.

Theo ông Huỳnh Lin - đoàn viên Nghiệp đoàn bán vé số Trần Đề: “Trước đây thì mạnh ai nấy bán, nếu khó khăn cũng không biết dựa vào đâu. Còn bây giờ vào Nghiệp đoàn mọi người hỗ trợ, không giành mối, sống chan hòa với nhau. Ban chấp hành Nghiệp đoàn còn quan tâm mọi người, ai đau ốm, bệnh tật được hỗ trợ tiền, lễ, Tết còn được tặng quà nữa”.

Tương tự tại TX Ngã Năm (tỉnh Sóc Trăng), Nghiệp đoàn bán vé số phường 1 cũng được thành lập trên tinh thần tập hợp người bán vé số vào tổ chức Công đoàn. Qua đó để tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, hỗ trợ vốn, kiến thức giúp NLĐ ổn định cuộc sống; chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp cho NLĐ.

Ông Lâm Văn Tùng - Phó Chủ tịch LĐLĐ thị xã Ngã Năm - thông tin, các đoàn viên trong Nghiệp đoàn đều là lao động tự do, hoàn cảnh khó khăn, kiếm sống nhờ vào tiền bán vé số dạo.

“Việc thành lập Nghiệp đoàn rất quan trọng trong công tác phát triển đoàn viên nhất là khu vực phi chính thức; giúp NLĐ được đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cũng như chăm lo đời sống vật chất, văn hóa tinh thần khi tham gia vào tổ chức Công đoàn” - ông Tùng nói.

Đến nay tỉnh Sóc Trăng đã thành lập được 3 Nghiệp đoàn bán vé số với 67 thành viên. Các Nghiệp đoàn đều có Ban Chấp hành, sinh hoạt định kỳ và thường xuyên liên lạc thông qua các cuộc hội họp.

PHƯƠNG ANH


Atrás
Quốc hội đồng ý tăng lương cơ sở lên 1,6 triệu đồng/tháng từ 1.7.2020
Thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,6 triệu đồng/tháng từ 1.7.2020.

       Chiều 12.11, với tỷ lệ 93,37% đại biểu tán thành, Quốc hội thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2020.

         Theo nghị quyết, tổng số thu ngân sách nhà nước là 1.512,3 nghìn tỉ, tổng chi là 1.747,1 nghìn tỉ đồng. Mức bội chi ngân sách nhà nước là 234,8 nghìn tỉ đồng tương đương 3,44% GDP.

       Quốc hội cũng đồng ý tổng mức vay của ngân sách nhà nước là 488,921.352 nghìn tỉ đồng trong năm sau.
        Với nghị quyết này, Quốc hội giao Chính phủ thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,6 triệu đồng/tháng, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng theo quy định (đối tượng do ngân sách nhà nước bảo đảm) và trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng tăng bằng mức tăng lương cơ sở, thời điểm thực hiện từ ngày 1.7.2020.
        Quốc hội yêu cầu Chính phủ tiếp tục thực hiện các quy định hiện hành về chính sách tạo nguồn cải cách tiền lương kết hợp triệt để tiết kiệm chi gắn với sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao mức độ tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.
        Đồng thời, từ năm 2019 dành 40% tăng thu thực hiện của ngân sách trung ương và 70% tăng thu thực hiện so với dự toán của ngân sách địa phương để tạo nguồn cải cách tiền lương trong năm 2020 và tích lũy cho giai đoạn 2021-2025.
Quốc hội cũng giao Chính phủ, loại trừ thêm một số khoản thu gắn với nhiệm vụ chi cụ thể khi xác định số tăng thu ngân sách địa phương thực hiện năm 2019 và dự toán năm 2020 để tính nguồn cải cách tiền lương.

Kết quả biểu quyết nghị quyết dự toán ngân sách nhà nước năm 2020.

      Cụ thể, các khoản thu tiền thuê đất một lần được nhà đầu tư ứng trước để bồi thường, giải phóng mặt bằng và thu từ xử lý tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị được cơ quan có thẩm quyền quyết định sử dụng để chi đầu tư theo quy định; thu tiền bảo vệ và phát triển đất trồng lúa.

        Ngoài ra, còn loại trừ thêm cả phí tham quan các khu di tích, di sản thế giới; phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu; phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản; thu từ quỹ đất công ích, thu hoa lợi, công sản tại xã và thu tiền cho thuê, cho thuê mua, bán nhà thuộc sở hữu nhà nước.
       Đối với ngân sách của các địa phương, phần kinh phí dành ra từ giảm chi hỗ trợ hoạt động thường xuyên trong lĩnh vực hành chính và hỗ trợ các đơn vị sự nghiệp công lập, được sử dụng theo nguyên tắc: dành 50% bổ sung nguồn cải cách tiền lương để thực hiện chi trả tiền lương tăng thêm do tăng mức lương cơ sở trong lĩnh vực hành chính và các lĩnh vực có đơn vị sự nghiệp; dành 50% còn lại thực hiện chi trả các chính sách an sinh xã hội do địa phương ban hành và tăng chi cho nhiệm vụ tăng cường cơ sở vật chất của lĩnh vực tương ứng.
         Ngân sách trung ương bảo đảm kinh phí điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng theo quy định (đối tượng do ngân sách nhà nước bảo đảm) và trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng; hỗ trợ nhu cầu điều chỉnh tiền lương tăng thêm cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương không cân đối được nguồn theo quy định của Chính phủ.

CAO NGUYÊN - ĐẶNG CHUNG

Nguồn: https://laodong.vn/cong-doan/quoc-hoi-dong-y-tang-luong-co-so-len-16-trieu-dongthang-tu-172020-765580.ldo


liên kết web

LƯỢT TRUY CẬP LƯỢT TRUY CẬP

 
Tổng lượt truy cập