TIN HOẠT ĐỘNG TIN HOẠT ĐỘNG

Atrás
Công đoàn ngành Giáo dục với việc tổ chức các phong trào thi đua, các cuộc vận động góp phần thực hiện “mục tiêu kép” theo chủ trương của Chính phủ
Nghị quyết Đại hội X Công đoàn tỉnh Sóc Trăng có nêu: “Tiến hành đổi mới nội dung, cách thức tổ chức các phong trào thi đua trong cán bộ, đoàn viên, người lao động và hoạt động Công đoàn, trọng tâm là phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” phù hợp với thực tiễn từng ngành, lĩnh vực, địa phương”. Đối với Công đoàn ngành Giáo dục, phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” được cụ thể hoá thành nhiều phong trào thi đua, cuộc vận động như: Thi đua “Dạy tốt - Học tốt”, thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập”, phong trào cô giáo “Giỏi việc trường - Đảm việc nhà”; Cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, cuộc vận động “Dân chủ - Kỷ cương - Tình thương - Trách nhiệm”, cuộc vận động xã hội hoá giáo dục...

         Năm qua, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, ngành Giáo dục phải đối mặt với nhiều khó khăn, hoạt động dạy và học phải chuyển từ trực tiếp sang trực tuyến; nhiều nhà giáo, người lao động bị nhiễm Covid-19, bị cách ly... Song, với tinh thần thi đua chào mừng Đại hội đại biểu lần thứ XIII của Đảng, thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học 2020 – 2021, cán bộ, nhà giáo và người lao động (CBNGNLĐ) trong ngành đã có nhiều nỗ lực, quyết tâm trong việc tham gia các phong trào thi đua. Qua đó, đã thực hiện tốt nhiệm vụ năm học, góp phần tích cực trong việc thực hiện “mục tiêu kép”, chống dịch COVID-19 và phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương. Điểm qua các phong trào thi đua, chúng ta có thể nhận ra một số nét nổi bật như sau:

          Thứ nhất, ngành Giáo dục đã tổ chức tổng kết 5 năm phong trào thi đua dạy và học giai đoạn 2016 – 2020, xây dựng kế hoạch phát động phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, dạy và học” giai đoạn 2021 – 2025. Gắn với tổng kết, ngành Giáo dục đã trao Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp giáo dục” cho 657 nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (trong đó có 19 cá nhân ngoài ngành), trao Bằng khen UBND tỉnh cho 10 tập thể, 19 cá nhân có nhiều thành tích trong phong trào thi đua; giới thiệu, tôn vinh nhiều “Nhà giáo tiêu biểu”, gương người tốt, việc tốt. Kỷ niệm 39 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 – 20/11/2021) ngành Giáo dục đã tổ chức tôn vinh, phong tặng danh hiệu “Nhà giáo Ưu tú” cho 63 nhà giáo.

Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh trao Bằng khen và biểu trưng cho Nhà giáo Ưu tú

          Thứ hai, các phong trào thi đua, các cuộc vận động tiếp tục được đông đảo CBNGNLĐ tham gia, tiêu biểu như: Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh năm học 2020 – 2021 có 575 giáo viên phổ thông tham gia, trong đó, cấp THPT có 169 giáo viên đăng ký dự thi, có 99 giáo viên được công nhận danh hiệu giáo viên dạy giỏi, chiếm tỷ lệ 58,8% (01 giải Nhất, 06 giải Nhì, 07 giải Ba, 16 giải KK); cấp THCS có 254 giáo viên đăng ký dự thi, có 194 giáo viên được công nhận danh hiệu giáo viên dạy giỏi, chiếm tỷ lệ 76,3%; cấp Tiểu học có 152 giáo viên đăng ký dự thi, có 59 giáo viên được công nhận danh hiệu giáo viên dạy giỏi, chiếm tỷ lệ 38,82%. Phong trào nghiên cứu, viết sáng kiến kinh nghiệm được duy trì ở tất cả các trường học, sơ sở giáo dục. Tính riêng tại các đơn vị trực thuộc Công đoàn ngành Giáo dục có 646 sáng kiến được công nhận/845 sáng kiến đăng ký, đạt tỷ lệ 76,45%. Đặc biệt, tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Sóc Trăng lần thứ XII, năm 2020 – 2021, ngành Giáo dục có 35 sản phẩm dự thi, có 09 sản phẩm đạt giải; trong đó, có 1 giải Nhì, 02 giải Ba và 06 giải Khuyến khích. Phong trào thi đua ngày càng xuất hiện nhiều mô hình hay, nhiều sáng kiến đem lại hiệu quả tích cực, tiêu biểu như: Trường THPT chuyên Nguyễn Thị Minh Khai với phong trào bồi dưỡng học sinh giỏi, thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh; Trường THPT Trần Văn Bảy với phong trào viết sáng kiến kinh nghiệm, phát huy vai trò của tổ chuyên môn trong việc tạo ra các mô hình, sản phẩm; Thầy Phạm Tuấn Thanh - GV trường THPT Trần Văn Bảy - hướng dẫn học sinh chế tạo máy rửa tay sát khuẩn tự động phục vụ phòng chống dịch Covid – 19; Thầy Lê Văn Mạnh - GV trường THPT Mỹ Hương - hướng dẫn học sinh nghiên cứu đề tài “Sử dụng phương pháp sinh học để sản xuất chitin và chitosan từ vỏ đầu tôm”, góp phần giảm thiểu các chất thải hóa học, hạn chế gây ô nhiễm môi trường...

            Thứ ba, ngoài thi đua “Dạy tốt - Học tốt”, CBNGNLĐ cũng tích cực tham gia nhiều chương trình, cuộc thi như: Chương trình “75 nghìn sáng kiến, vượt khó, phát triển”, “Liên hoan tiếng hát giáo viên toàn quốc lần thứ 5”, cuộc thi “Thầy Cô trong mắt em” năm 2021, cuộc thi sáng tạo Video clip bài tập thể dục giữa giờ trong CNVCLĐ, Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu Bộ Luật Lao động năm 2019, Cuộc thi viết về “Gương điển hình tiên tiến học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” năm 2021; Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu Nghị quyết Đại hội đại biểu XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025; cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật về bầu cử Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp trên Cổng trực tuyến Công đoàn Việt Nam, Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu 70 năm Công đoàn Giáo dục Việt Nam”, cuộc thi ảnh “Nét đẹp công đoàn cơ sở năm 2020” trên mạng xã hội Facebook, cuộc thi trắc nghiệm “Chung tay phòng chống dịch Covid-19” trên mạng xã hội VCNet … Có nhiều tập thể, cá nhân được khen thưởng tại các chương trình, cuộc thi trên.

           Có thể khẳng định rằng, trong điều kiện dịch Covid -19 ảnh hưởng tiêu cực đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, CBNGNLĐ trong ngành Giáo dục vẫn tích cực tham gia các phong trào thi đua, các cuộc vận động do ngành và công đoàn đề ra; từng tập thể, cá nhân luôn có những việc làm cụ thể để đóng góp cho sự nghiệp giáo dục, góp phần thực hiện “mục tiêu kép” ở địa phương.

              Năm 2022 và những năm tiếp theo, ngành giáo dục tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; thực hiện phong trào thi đua yêu nước “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, dạy và học” giai đoạn 2021 – 2025. Trong đó, từng tập thể, cá nhân phải hướng đến yêu cầu, nội dung thi đua cụ thể sau:

           Đối với tập thể, cần quán triệt sâu sắc, vận dụng sáng tạo tư tưởng thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn với Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 07/4/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tiếp tục triển khai các Phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động; xây dựng Kế hoạch cụ thể để tổ chức thực hiện Phong trào thi đua, trong đó các tiêu chí thi đua phải gắn với 09 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 05 nhóm giải pháp cơ bản của ngành Giáo dục, Nghị quyết số 29-NQ/TW và các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. Từng cơ sở giáo dục phải là nơi kiến tạo, hỗ trợ, phục vụ để mỗi nhà giáo, nhân viên, học sinh có môi trường sư phạm thuận lợi nhất, phát huy tối đa khả năng, phẩm chất và năng lực cá nhân; tích cực, chủ động đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy theo hướng tiếp cận năng lực, tăng cường kỹ năng ứng dụng và thực hành, chú trọng đạo đức nghề nghiệp và hiểu biết xã hội. Phải tổ chức tôn vinh, khen thưởng kịp thời, đúng người, đúng việc, tạo động lực hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị tại mỗi cơ quan, đơn vị; quan tâm khen thưởng các tập thể nhỏ, người lao động trực tiếp, cá nhân ở vùng sâu, vùng xa; chú trọng phát hiện, lựa chọn và xây dựng các gương điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua; tăng cường thời lượng để truyền thông về các phong trào thi đua, tấm gương người tốt, việc tốt trên các chuyên trang, chuyên mục, tạo sự lan tỏa, truyền cảm hứng trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập trong toàn ngành và xã hội.

            Đối với cá nhân, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên phải là tấm gương về đạo đức, tự học tập, rèn luyện; có nhiều giải pháp đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giáo dục, giảng dạy, nghiên cứu khoa học, học tập nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao; tích cực tham gia các phong trào thi đua, các cuộc vận động do ngành và công đoàn đề ra. Đồng thời, phải giáo dục, động viên học sinh, học viên có ý thức chủ động, tích cực, sáng tạo vượt khó vươn lên trong học tập, rèn luyện; có kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm công dân, xã hội; có hành vi, nghĩa cử cao đẹp; tích cực tham gia các hoạt động tình nguyện, thiện nguyện vì cộng đồng.

          Các phong trào thi đua, các cuộc vận động cần phải triển khai theo hướng cụ thể, thiết thực hơn. Phong trào thi đua “Dạy tốt - Học tốt” gắn với cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” với nội dung cụ thể: “Đổi mới sáng tạo trọng dạy và học”. Trong đó tạo cơ hội, động lực để cán bộ quản lý, NGNLĐ thực hiện phương châm: “Mỗi giờ lên lớp có 1 đổi mới trong giảng dạy, mỗi ngày đến trường có một đổi mới trong công việc”; kết quả từ các phong trào thi đua phải là những sản phẩm cụ thể. Cuộc vận động “Dân chủ - Kỷ cương - Tình thương - Trách nhiệm” phải chuyển hóa thành nếp ứng xử văn hoá trường học; thành thái độ, hành vi, ngôn ngữ, chuẩn mực của mỗi cá nhân. Mặt khác, để đối phó với dịch Covid-19, toàn ngành cũng phải tích cực tham gia phong trào thi đua “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng chống và chiến thắng đại dịch Covid-19”, do Thủ tướng phát động. Đây xem như là việc làm cụ thể, thiết thực, góp phần thực hiện “mục tiêu kép” mà Chính phủ đề ra.

Nguyễn Văn Hóa - Chủ tịch CĐ Ngành Giáo dục

 


liên kết web