12 giáo viên vui mừng sinh sống trong nhà tập thể mới
Chiều ngày 13.8, tại xã An Thạnh 3, huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng), Trường Trung học phổ thông An Thạnh 3 tổ chức nghiệm thu và bàn giao công trình sửa chữa nhà ở tập thể của Công đoàn cơ sở Trường Trung học phổ thông An Thạnh 3.
Đến dự có đồng chí Nguyễn Thanh Sơn - Ủy viên BCH Tổng LĐLĐ Việt Nam, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Sóc Trăng; đồng chí Lê Trọng Nguyên - Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Cù Lao Dung.
Lãnh đạo LĐLĐ tỉnh Sóc Trăng, Huyện ủy Cù Lao Dung dự nghiệm thu bàn giao nhà ở tập thể cho giáo viên.
Nhà ở tập thể của Trường THPT An Thạnh 3 được đưa vào sử dụng cuối năm 2009 với diện tích 300m², có 6 phòng với 12 giáo viên sinh sống. Qua thời gian sử dụng, nhà tập thể bị xuống cấp, phần máy tôn bị rỉ sét, dột và một số cây xà gỗ bị mục, không đảm bảo an toàn cho giáo viên vào mùa mưa.
LĐLĐ tỉnh Sóc Trăng đã hỗ trợ 50 triệu đồng từ nguồn Quỹ Mái ấm Công đoàn, đơn vị chủ quản hỗ trợ 5 triệu đồng, đoàn viên Công đoàn của nhà trường đóng góp 15 triệu đồng để sửa chữa nhà tập thể.
Đến nay công trình đã hoàn tất, đem lại niềm vui cho tập thể giáo viên, giúp thầy, cô giáo có nơi ở chu đáo để an tâm công tác, giảng dạy trước thềm năm học mới.
ANH KHOA
Quan tâm chăm lo đời sống của đoàn viên, người lao động
Công đoàn cơ sở Công ty Trách nhiệm hữu hạn Mediprotek Vina trực thuộc Công đoàn Các khu công nghiệp tỉnh Sóc Trăng. Công ty có 524 người lao động. Trong đó lao động là người dân tộc Khmer chiếm khoảng 50%, dân tộc Hoa chiếm khoảng 1,7%, dân tộc Kinh chiếm khoảng 48,3%. Hầu hết đoàn viên, người lao động có thu nhập cao hơn mức lương tối thiểu vùng nên an tâm nỗ lực lao động sản xuất. Người lao động cũng được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, trang bị bảo hộ lao động đầy đủ để làm việc trong môi trường an toàn, đồng hành lâu dài với công ty.
Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở Công ty Trách nhiệm hữu hạn Mediprotek Vina nhiệm kỳ 2023 - 2028 ra mắt tại đại hội.
Qua hơn 1 năm thành lập, Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở lâm thời của công ty luôn quan tâm đến đời sống của đoàn viên, người lao động. Trong năm qua, công đoàn đã kết hợp với công ty thực hiện việc trợ cấp khó khăn, ốm đau, tai nạn, tang gia, hiếu hỉ... cho đoàn viên, người lao động ở mức từ 200.000 đồng đến 1 triệu đồng/suất, với tổng số tiền 36 triệu đồng. Công đoàn còn phối hợp với công ty kiểm tra, giám sát nơi cung cấp suất ăn, đảm bảo chất lượng bữa ăn giữa ca cho đoàn viên, người lao động tại công ty. Cùng với đó, các hoạt động tặng quà trong các dịp lễ, Tết, các chế độ bảo hiểm cho người lao động cũng được quan tâm thực hiện đầy đủ.
Đại hội đã tiến hành bầu Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở Công ty Trách nhiệm hữu hạn Mediprotek Vina nhiệm kỳ 2023 - 2028 gồm 7 đồng chí. Đồng chí Bành Văn Trắng được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty Trách nhiệm hữu hạn Mediprotek Vina nhiệm kỳ 2023 - 2028.
HẢI HÀ - BÁO SÓC TRĂNG

Từ 1.7, Chính phủ quy định tăng lương tối thiểu vùng thêm 6%
Tăng tiền lương tối thiểu vùng thêm 6%
Nghị định này quy định mức lương tối thiểu tháng và mức lương tối thiểu giờ áp dụng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.
Về mức lương tối thiểu tháng, Nghị định quy định các mức lương tối thiểu tháng theo 4 vùng: Vùng I tăng 260.000 đồng, từ 4.420.000 đồng/tháng lên 4.680.000 đồng/tháng. Vùng II tăng 240.000 đồng, từ 3.920.000 đồng/tháng lên 4.160.000 đồng/tháng. Vùng III tăng 210.000 đồng từ 3.430.000 đồng/tháng lên 3.640.000 đồng/tháng. Vùng IV tăng 180.000 đồng từ 3.070.000 đồng/tháng lên 3.250.000 đồng/tháng.
Mức lương tối thiểu nêu trên tăng bình quân 6% (tương ứng tăng từ 180.000 đồng - 260.000 đồng) so với mức lương tối thiểu hiện hành.
Về mức lương tối thiểu giờ, Nghị định cũng quy định các mức lương tối thiểu giờ theo 4 vùng: vùng I là 22.500 đồng/giờ, vùng II là 20.000 đồng/giờ, vùng III là 17.500 đồng/giờ, vùng IV là 15.600 đồng/giờ.
Tăng lương tối thiểu vùng cho người lao động từ 1.7.2022
Việc áp dụng địa bàn vùng được xác định theo nơi hoạt động của người sử dụng lao động.
Nghị định cũng nêu rõ mức lương tối thiểu tháng là mức lương thấp nhất làm cơ sở để thỏa thuận và trả lương đối với người lao động áp dụng hình thức trả lương theo tháng, bảo đảm mức lương theo công việc hoặc chức danh của người lao động làm việc đủ thời giờ làm việc bình thường trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận không được thấp hơn mức lương tối thiểu tháng.
Mức lương tối thiểu giờ là mức lương thấp nhất làm cơ sở để thỏa thuận và trả lương đối với người lao động áp dụng hình thức trả lương theo giờ, bảo đảm mức lương theo công việc hoặc chức danh của người lao động làm việc trong một giờ và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận không được thấp hơn mức lương tối thiểu giờ.
Đối với người lao động áp dụng hình thức trả lương theo tuần hoặc theo ngày hoặc theo sản phẩm hoặc lương khoán thì mức lương của các hình thức trả lương này nếu quy đổi theo tháng hoặc theo giờ không được thấp hơn mức lương tối thiểu tháng hoặc mức lương tối thiểu giờ.
Các đối tượng được hưởng
1- Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động.
2- Người sử dụng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động gồm: Doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp; cơ quan, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân có thuê mướn, sử dụng người lao động làm việc cho mình theo thỏa thuận.
3- Các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc thực hiện mức lương tối thiểu quy định tại Nghị định này.
Nghị định trên có hiệu lực từ ngày 1.7.2022.
VƯƠNG TRẦN - BÁO LAO ĐỘNG