Atrás
Khối thi đua số 1 về nguồn tại Khu căn cứ Tỉnh ủy Sóc Trăng
Ngày 10/8, Khối thi đua số 1 trực thuộc Liên đoàn Lao động tỉnh Sóc Trăng tổ chức hoạt động tham quan về nguồn chào mừng kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2024).

Đến dự, có đồng chí Huỳnh Văn Cương - Ủy viên BTV, Trưởng Ban Tuyên giáo - Nữ công LĐLĐ tỉnh cùng các đoàn viên khối thi đua số 1.

Khối thi đua số 1 về nguồn tại Khu căn cứ Tỉnh ủy Sóc Trăng (xã Mỹ Phước, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng)

Rừng tràm Mỹ Phước – Khu di tích căn cứ Tỉnh ủy Sóc Trăng là một minh chứng cho một giai đoạn lịch sử trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của Đảng bộ, quân và dân Sóc Trăng – Khu di tích lịch sử cách mạng – căn cứ của lòng dân. Tại đây, đoàn đã thắp hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, nghe kể truyện truyền thống; tặng quà 50 phần cho gia đình chính sách, đoàn viên khó khăn và con đoàn viên khó khăn tại địa phương.

Hoạt động nhằm tạo điều kiện cho các đoàn viên, người lao động trong khối 1 được giao lưu, tham quan thực tế, tìm hiểu di tích lịch sử của tỉnh nhà. Đồng thời thể hiện tinh thần đoàn kết giữa các đơn vị. Qua đó góp phần củng cố nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở Công đoàn và đoàn viên công đoàn.

ANH KHOA


Atrás
Tích cực chuẩn bị chăm lo Tết cho đoàn viên, người lao động
Với chủ đề “Tết sum vầy - Xuân ơn Đảng”, các cấp công đoàn trong tỉnh Sóc Trăng đang tích cực chuẩn bị các hoạt động chăm lo Tết 2025 cho đoàn viên, người lao động (ĐVNLĐ) với phương châm “Tất cả ĐVNLĐ đều có Tết”.

Sóc Trăng có gần 70.000 công nhân, viên chức, lao động đang sinh sống và làm việc. Thời gian qua, tỉnh rất quan tâm, dành nhiều chế độ, chính sách chăm lo với mong muốn người lao động luôn yên tâm làm việc và cống hiến. Người lao động càng được đãi ngộ tốt càng tích cực đóng góp vào sự phát triển của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nói riêng và địa phương nói chung.

Để chăm lo Tết cho người lao động chu đáo, ngoài những chính sách theo quy định của Nhà nước, tỉnh đã huy động thêm các nguồn lực cùng tham gia. Trong đó, vai trò của công đoàn các cấp được phát huy mạnh mẽ trong việc chăm lo cho ĐVNLĐ. Đồng thời tham gia cùng các ngành chức năng kiểm tra, giám sát người sử dụng lao động về phương án, kế hoạch sản xuất, trả lương, thưởng Tết, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho ĐVNLĐ trong dịp Tết.


Đồng chí Lâm Văn Mẫn - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng (thứ 3 từ phải qua) và đồng chí Nguyễn Thanh Sơn - Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Sóc Trăng (thứ 4 từ phải qua) trao quà cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn trong năm 2024. Ảnh: HẢI HÀ

Đến thời điểm này, Liên đoàn Lao động tỉnh đã ban hành kế hoạch tổ chức các hoạt động chăm lo cho ĐVNLĐ nhân dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Trong đó ưu tiên ĐVNLĐ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, mắc bệnh hiểm nghèo, thiên tai, bị giảm thời gian làm việc, mất việc làm... Ngoài ra, ĐVNLĐ thuộc gia đình chính sách, nhiều năm chưa có điều kiện về quê đón Tết; ĐVNLĐ ở lại đơn vị, doanh nghiệp để phục vụ công tác, sản xuất, kinh doanh vào dịp Tết cũng là những trường hợp được quan tâm chăm lo trong dịp Tết năm nay.

Theo kế hoạch, Liên đoàn Lao động tỉnh sẽ tổ chức Chương trình "Tết Sum vầy - Xuân ơn Đảng" tại Khu Công nghiệp An Nghiệp ở huyện Châu Thành để đảm bảo thuận lợi, thu hút nhiều ĐVNLĐ trong tỉnh tham gia. Đối với công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, có thể tổ chức tập trung ở địa điểm thuận tiện cho việc huy động đông đảo ĐVNLĐ về dự. Những nơi không có điều kiện tổ chức Chương trình “Tết Sum vầy - Xuân ơn Đảng” sẽ đẩy mạnh các hoạt động phù hợp, thiết thực để ĐVNLĐ đón Tết, đảm bảo mọi ĐVNLĐ được quan tâm, chăm lo của tổ chức công đoàn.

Tổ chức công đoàn cũng sẽ vận động người sử dụng lao động hỗ trợ vé tàu, xe, phương tiện vận chuyển đưa ĐVNLĐ về quê đón Tết và quay lại nơi làm việc, đảm bảo an toàn, thuận lợi, chu đáo. Đồng thời, tổ chức các hoạt động vui Xuân, đón Tết, thăm hỏi, động viên ĐVNLĐ không có điều kiện về quê đón Tết đầm ấm, vui tươi, mang dấu ấn công đoàn. Trường hợp có nhiều ĐVNLĐ không về quê đón Tết thì tổ chức các hình thức phù hợp với từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.

Đồng chí Trần Văn Lâu - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng tặng quà cho ĐVNLĐ dịp Tết Sum vầy 2024. Ảnh: HẢI HÀ


Lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh yêu cầu, các hình thức chăm lo tập trung hướng về cơ sở, quan tâm chăm lo, hỗ trợ ĐVNLĐ làm việc tại Khu Công nghiệp An Nghiệp; tại các doanh nghiệp có đông công nhân lao động; tại các doanh nghiệp gặp khó khăn do suy thoái kinh tế, bị cắt, giảm đơn hàng, thu hẹp quy mô sản xuất, tạm ngừng hoạt động, giải thể... Các hoạt động chăm lo phải bảo đảm thiết thực, an toàn, hiệu quả, tiết kiệm, đúng quy định, tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong ĐVNLĐ phù hợp với điều kiện.

Liên đoàn Lao động tỉnh cũng đã có công văn gửi liên đoàn lao động cấp huyện và công đoàn cấp ngành, tương đương, công đoàn cơ sở trực thuộc Liên đoàn Lao động tỉnh về việc lựa chọn đoàn viên tham gia chương trình “Chợ Tết Công đoàn năm 2025” trực tuyến do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam triển khai trên toàn quốc nhằm hỗ trợ ĐVNLĐ. Theo đó, chương trình “Chợ Tết Công đoàn năm 2025” trực tuyến sẽ diễn ra từ 0 giờ ngày 20/12/2024 đến 24 giờ ngày 20/1/2025. Đối tượng hỗ trợ là đoàn viên công đoàn có thành tích xuất sắc trong lao động, sản xuất, tham gia hoạt động công đoàn; đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn, thu nhập thấp. Tổng số đoàn viên trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ là 2.500 suất, với mức 500.000 đồng/suất; hình thức hỗ trợ bằng tiền, thông qua phiếu mua hàng của chương trình.

Theo đồng chí Lý Trường Khoa - Phó Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh, hiện tại, Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh được phân bổ cho 1.000 phiếu mua hàng tham gia chương trình “Chợ Tết Công đoàn năm 2025” trực tuyến. Bên cạnh các hoạt động chăm lo khác, dịp Tết Sum vầy năm 2025, dự kiến Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh sẽ tổ chức hội thao, bao gồm các môn: bóng đá nam, nữ, bida, xoay vòng sút bóng, nhảy dây nam nữ, góp phần tạo không khí đón Tết vui tươi, an toàn, hạnh phúc.

Hoạt động chăm lo Tết của các cấp công đoàn dành cho ĐVNLĐ được triển khai qua nhiều hình thức khác nhau đã ngày càng khẳng định vai trò, trách nhiệm của tổ chức công đoàn trong chăm lo cho ĐVNLĐ. Qua đó góp phần hỗ trợ ĐVNLĐ có hoàn cảnh khó khăn được hưởng tết Nguyên đán cổ truyền đầm ấm, hạnh phúc bên gia đình và người thân.

HẢI HÀ


Atrás
Tổng LĐLĐVN kiểm tra thực hiện Đề án 1780 và Đề án 231 tại ĐBSCL
Ngày 25.6, tại TP Cần Thơ, Đoàn công tác của Tổng LĐLĐVN do Phó Chủ tịch Thường trực Trần Thanh Hải dẫn đầu đã chủ trì buổi làm việc làm việc với LĐLĐ các địa phương Cần Thơ, Sóc Trăng, Hậu Giang, Kiên Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp về kết quả thực hiện Đề án 1780 và Đề án 231.

          Buổi làm việc liên quan đến các vấn đề như: Thực hiện Đề án “Xây dựng đời sống văn hóa công nhân ở các khu công nghiệp đến năm 2015, định hướng tới năm 2020” (gọi tắt là Đề án 1780) và Đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong CNLĐ tại các doanh nghiệp đến năm 2020” (gọi tắt là Đề án 231) và kiểm tra, đánh giá phân loại Nhà Văn hóa Lao động của các tổ chức Công đoàn.

Phó Chủ tịch thường trực TLĐLĐVN Trần Thanh Hải tại buổi làm việc. Ảnh: N.T

          Tại buổi làm việc, đại diện LĐLĐ các địa phương đã báo cáo nhiều khó khăn trong việc thực hiện đề án 231. Dù được triển khai rộng và có kế hoạch, tuy nhiên việc tổ chức các lớp học, xây dựng các trường đào tạo cho công nhân vẫn gặp nhiều bất cập. Nguyên nhân do công nhân không mặn mà với việc học tập.

         Sau khi nghe các LĐLĐ báo cáo công tác triển khai thực hiện, cũng như khó khăn trong quá trình triển khai các Đề án trên, Phó Chủ tịch thường trực Tổng LĐLĐVN Trần Thanh Hải cho rằng, Đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong CNLĐ tại các doanh nghiệp đến năm 2020” bảo vệ quyền lợi để người lao động, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế đang vận động rất nhanh.

        Theo Phó Chủ tịch Trần Thanh Hải, việc khuyến khích cho người lao động nỗ lực học tập là cần thiết, bởi học nghề là phải học liên tục, học suốt đời thì công nhân mới được nâng cao trình độ, nâng cao tay nghề, có thể tìm kiếm cơ hội việc làm tốt hơn.

         Ngoài ra, việc xây dựng và phát triển đời sống văn hóa cho người lao động là rất cần thiết và quan trọng. Thiết chế nhà văn hóa trong các khu công nghiệp là cần thiết, phục vụ tốt và nâng cao đời sống tinh thần của công nhân, đồng thời, củng cố uy tín của tổ chức Công đoàn trong người lao động.

          “Sinh ra nhà văn hóa của người lao động thì trước hết phải phục vụ cho người lao động, phục vụ về đời sống tinh thần cho người lao động. Người lao động phải cảm nhận được rằng, đây là nơi giúp cho đời sống tinh thần của họ ngày càng phong phú và cuộc sống của họ ngày càng tốt đẹp hơn” – Phó Chủ tịch thường trực Tổng LĐLĐVN khẳng định.

TRẦN LƯU - NGUYỄN TRI

Nguồn: https://laodong.vn/cong-doan/tong-ldldvn-kiem-tra-thuc-hien-de-an-1780-va-de-an-231-tai-dbscl-815122.ldo


liên kết web

LƯỢT TRUY CẬP LƯỢT TRUY CẬP

 
Tổng lượt truy cập