Atrás
Trao 130 phần quà cho đoàn viên, người lao động ở huyện Mỹ Tú
Chiều 27.5, Liên đoàn Lao động huyện Mỹ Tú (tỉnh Sóc Trăng) phối hợp Huyện đoàn và Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại và đầu tư Tươi Mart tổ chức Lễ trao quà hưởng ứng Tháng Công nhân năm 2024.

Đến dự có các đồng chí: Lê Việt Triều - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Chính sách pháp luật- quan hệ lao động Liên đoàn đoàn Lao động tỉnh; đồng chí Lê Thanh Vị - Phó Bí thư thường trực Huyện ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện; đồng chí Nguyễn Thanh Phong - Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện; Cùng Lãnh đạo ban, ngành, đoàn thể huyện và 130 đoàn viên, người lao động.

Đại diện LĐLĐ tỉnh Sóc Trăng cùng lãnh đạo huyện Mỹ Tú trao quà cho đoàn viên, người lao động

Dịp này, các đại biểu đã trao tặng 130 phần quà cho đoàn viên, người lao động có bệnh hiểm nghèo, tai nạn lao động và có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện. Mỗi phần quà gồm một số nhu yếu phẩm trị giá 500 nghìn đồng do Công ty TNHH thương mại và đầu tư Tươi Mart tài trợ. Được biết, Công ty TNHH thương mại và đầu tư Tươi Mart đợt này hỗ trợ huyện Mỹ Tú 300 phần quà, ngoài những phần quà trao tại buổi lễ, Liên đoàn lao động huyện sẽ tiếp tục phối hợp công đoàn cơ sở tặng số quà còn lại cho công đoàn viên và người lao động có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện trong thời gian tới.

Theo Liên đoàn Lao động huyện Mỹ Tú, hoạt động này nhằm làm tốt công tác đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, công nhân lao động của các cấp Công đoàn trong huyện. Đồng thời, thể hiện sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền, chủ doanh nghiệp và toàn xã hội đối với công nhân, người lao động huyện nhà.

ANH KHOA


Atrás
Công đoàn Sóc Trăng tổ chức huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động cho đoàn viên, người lao động
Ngày 24.5, tại Công đoàn các Khu Công nghiệp tỉnh Sóc Trăng, Liên đoàn Lao động tỉnh phối hợp giữa Viện An toàn vệ sinh lao động tổ chức hội nghị huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động năm 2024.

Đến dự, có đồng chí Nguyễn Thanh Sơn - Ủy viên BCH Tổng LĐLĐ Việt Nam, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Sóc Trăng; Tiến Sỹ Nguyễn Anh Thơ - Uỷ viên BCH Tổng LĐLĐ Việt Nam, Viện trưởng, Viện An toàn Vệ sinh Lao động.

Đồng chí Nguyễn Thanh Sơn – Chủ tịch LĐLĐ tỉnh phát biểu chỉ đạo hội nghị

Tại hội nghị, các giảng viên đã thông tin, hướng dẫn về hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật an toàn, vệ sinh lao động; Kiến thức cơ bản về các yếu tố nguy hiểm, có hại, biện pháp phòng ngừa; Sơ cấp cứu tai nạn lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp; Phân tích, đánh giá rủi ro và xây dựng kế hoạch ứng cứu khẩn cấp; xây dựng hệ thống quản lý về an toàn, vệ sinh lao động; Xây dựng nội quy, quy chế, quy trình, biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động; phòng, chống cháy nổ trong cơ sở lao động;

Công tác kiểm định, huấn luyện và quan trắc môi trường lao động; quản lý máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động; hoạt động thông tin, tuyên truyền về an toàn, vệ sinh lao động; Chăm sóc sức khỏe tinh thần cho người lao động; Chăm sóc sức khỏe toàn diện, giảm căng thẳng tại nơi làm việc,…

Giảng viên trình bày về các nội dung huấn luyện ATVSLĐ 

Đồng chí Nguyễn Thanh Sơn cho biết hội nghị nhằm trang bị cho cán bộ, đoàn viên, người lao động về kiến thức pháp luật, nghiệp vụ để tham gia cùng người sử dụng lao động của doanh nghiệp xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch An toàn vệ sinh lao động tại nơi làm việc được thiết thực, có hiệu quả cao trong việc ngăn ngừa các sự cố, rũi ro, có thể dẫn đến tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, bảo vệ tính mạng, sức khoẻ của người lao động và cơ sở, vật chất của doanh nghiệp.

Trước thực trạng yêu cầu về huấn luyện an toàn vệ sinh lao động của các doanh nghiệp, mà ở địa phương chưa có tổ chức, đơn vị đơn vị nào đủ năng lực tổ chức huấn luyện, việc ký chương trình phối hợp lần này cũng nhằm để tháo gỡ khó khăn trên, thiết thực đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp. Sau đợt tập huấn này, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh và Viện An toàn vệ sinh lao động sẽ mở các khoá huấn luyện tiếp theo, và huấn luyện tất cả các nhóm đối tượng theo quy định tại Nghị định 44/2016/NĐ-CP của Chính phủ, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh cho biết thêm.

ANH KHOA


Atrás
Quốc hội chính thức “chốt” phương án tăng thêm 1 ngày nghỉ lễ
Với 90,06% số đại biểu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Bộ luật Lao động sửa đổi, thống nhất tăng tuổi nghỉ hưu; tăng thêm 1 ngày nghỉ lễ trong năm cho người lao động.

          Có lộ trình điều chỉnh giảm giờ làm việc bình thường

        Sáng 20.11, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự án Bộ luật Lao động sửa đổi. 
        Theo báo cáo, một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự thảo bộ luật đã được làm rõ, cũng như nêu hướng điều chỉnh, chỉnh lý, ý kiến của Ủy ban Thường  vụ Quốc hội về các vấn đề này.                        

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày báo cáo. 

        Về thời giờ làm việc bình thường (Điều 105), nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị giảm giờ làm việc bình thường từ 48 giờ/tuần xuống 44 giờ/tuần. Một số ý kiến đại biểu đề nghị giữ như quy định hiện hành về thời giờ làm việc bình thường là 48 giờ/tuần, đồng thời có ý kiến đại biểu đề nghị cần hết sức cân nhắc khi thay đổi quy định về thời giờ làm việc bình thường trong bối cảnh hiện nay, do đây là vấn đề lớn, chưa có đánh giá tác động một cách đầy đủ.
         Về nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng ý kiến phát biểu của các vị đại biểu Quốc hội là rất xác đáng, việc tăng lương, giảm giờ làm, cải thiện và nâng cao điều kiện lao động đối với người lao động là xu hướng tiến bộ của thế giới.
        Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã báo cáo Quốc hội tại Báo cáo số 466/BC-UBTVQH14 ngày 22.10.2019, lúc đó, Chính phủ chưa đánh giá tác động về kinh tế - xã hội đối với vấn đề này.
        Vì vậy, cơ quan chủ trì thẩm tra đã chủ động đề nghị Chính phủ phối hợp tiếp thu, giải trình ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, trong đó thể hiện quan điểm của Chính phủ về nội dung này.
        Chính phủ đã có Công văn số 561/CP-PL ngày 6.11.2019 đề nghị “trước mắt giữ nguyên thời giờ làm việc bình thường như quy định của Bộ luật hiện hành” và “có lộ trình điều chỉnh giảm giờ làm việc bình thường vào thời điểm thích hợp”.
         Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin tiếp thu và báo cáo Quốc hội việc từng bước giảm giờ làm theo hướng sẽ ghi vào Nghị quyết của kỳ họp: Giao Chính phủ căn cứ tình hình phát triển kinh tế - xã hội, đề xuất giảm giờ làm việc bình thường thấp hơn 48 giờ/tuần; đồng thời, giữ quy định “Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40 giờ đối với người lao động” tại Điều 105 về thời giờ làm việc bình thường.
         Trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ có các quy định triển khai cụ thể; đặc biệt, cần phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tổ chức đại diện người sử dụng lao động hướng dẫn về cơ chế thương lượng tập thể hiệu quả để từng bước thực hiện cho được việc giảm giờ làm việc bình thường, bảo đảm hài hòa lợi ích của các bên.

          Không tăng giờ làm thêm

        Về nội dung mở rộng khung giờ làm thêm tối đa, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đồng ý với Phương án 1 quy định như Bộ luật Lao động hiện hành. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, giữ nguyên khung giờ làm thêm, nhưng cần ghi rõ thời gian làm thêm giờ theo tháng là 40 giờ/tháng, thay vì 30 giờ/tháng và bổ sung quy định cụ thể về các trường hợp được tổ chức làm thêm giờ từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong một năm.

         Thống nhất tăng tuổi nghỉ hưu
        Về tuổi nghỉ hưu (khoản 2 Điều 169), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo xin ý kiến đại biểu Quốc hội, kết quả có 371 đại biểu Quốc hội tham gia ý kiến về nội dung này thì có 280 đại biểu Quốc hội đồng ý Phương án 1 là: “Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.
         Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam và 04 tháng đối với lao động nữ”. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu và thể hiện trong dự thảo Bộ luật.
         Tăng thêm ngày nghỉ lễ
        Về nghỉ lễ, tết (Điều 112), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo xin ý kiến, kết quả có 402 đại biểu Quốc hội cho ý kiến về nội dung này và có 370 đại biểu Quốc hội đồng ý bổ sung một (01) ngày người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương.
        Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu và ghi trong dự thảo Bộ luật, bổ sung thêm một ngày nghỉ vào ngày liền kề với Ngày Quốc khánh 2.9

         90,06% số đại biểu tán thành thông qua 
         Sau khi nghe bà Nguyễn Thúy Anh trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi), Quốc hội đã biểu quyết về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau và toàn bộ dự thảo Bộ luật.

Kết quả biểu quyết Bộ luật Lao động sửa đổi.

       Kết quả, có 453 đại biểu tham gia biểu quyết, 435 đại biểu tán thành (chiếm 90,06%), 9 đại biểu không tán thành và 9 đại biểu không biểu quyết.
      Như vậy, với 90,06% số đại biểu tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Bộ luật Lao động sửa đổi, thống nhất tăng tuổi nghỉ hưu, tăng thêm 1 ngày nghỉ lễ trong năm cho người lao động.

ĐẶNG CHUNG - CAO NGUYÊN

Nguồn: https://laodong.vn/thoi-su/quoc-hoi-chinh-thuc-chot-phuong-an-tang-them-1-ngay-nghi-le-767154.ldo


liên kết web

LƯỢT TRUY CẬP LƯỢT TRUY CẬP

 
Tổng lượt truy cập