Atrás
Trao 2 Mái ấm Công đoàn cho đoàn viên khó khăn về nhà ở
Chiều 16.7, LĐLĐ huyện Long Phú tổ chức trao 2 căn nhà Mái ấm Công đoàn cho 2 đoàn viên khó khăn về nhà ở.

Đoàn viên Nguyễn Quốc Việt - Nghiệp đoàn xe thị trấn Đại Ngãi thuộc diện khó khăn, anh Việt đang bị bệnh hiểm nghèo. Do căn nhà xây dựng đã lâu nên hư hỏng nặng, gia đình phải ở nhờ nhà chị ruột gần đó. Được Quỹ Vì người nghèo tỉnh Sóc Trăng hỗ trợ 50 triệu đồng để xây nhà. Căn nhà hoàn thành trong niềm vui của cả gia đình anh.

LĐLĐ tỉnh Sóc Trăng trao nhà Mái ấm Công đoàn cho đoàn viên Nguyễn Quốc Việt.

Còn đoàn viên Phan Ngọc Diễm - CĐCS thị trấn Đại Ngãi một mình phải nuôi cha già và con nhỏ nên không có khả năng sửa chữa nhà dù đã xuống cấp trầm trọng. Được Quỹ Mái ấm Công đoàn LĐLĐ tỉnh hỗ trợ 20 triệu đồng chị sửa lại ngôi nhà tươm tất hơn.

Lãnh đạo LĐLĐ tỉnh Sóc Trăng bàn giao nhà Mái ấm Công đoàn cho đoàn viên Phan Ngọc Diễm.

Phát biểu tại buổi trao nhà, đồng chí Lê Văn Phải - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Sóc Trăng chúc mừng 2 đoàn viên, mong muốn căn nhà sẽ là động lực để các đoàn viên vượt qua khó khăn vươn lên trong cuộc sống, yên tâm làm việc.

PHƯƠNG ANH


Atrás
139 năm ngày Quốc tế Lao động (1/5/1886 - 1/5/2025): Sức mạnh đoàn kết và hành động cách mạng
Ngày 1/5 hằng năm được chọn là ngày Quốc tế Lao động, ngày hội của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên toàn thế giới. Nội dung này được thông qua tại Đại hội thành lập Quốc tế thứ 2, vào năm 1889. Năm 2025 đánh dấu 139 năm thế giới kỷ niệm sự kiện này.

Cách đây 139 năm, ngày 1/5/1886, tại thành phố Chicago (Mỹ), hàng chục ngàn công nhân toàn thành phố đã hưởng ứng lời kêu gọi của Liên đoàn Lao động Mỹ, tiến hành bãi công, tổ chức mít tinh và biểu tình trên đường phố với khẩu hiệu “Ngày làm việc 8 giờ”. Đây là kết quả tất yếu của quá trình đấu tranh lâu dài từ nửa cuối thế kỷ XIX của công nhân lao động nhiều nước trên thế giới khi họ bị bóc lột sức lao động nặng nề.

Lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh Sóc Trăng trao bảng tượng trưng cho các cấp công đoàn để tặng quà cho đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: HẢI HÀ

Cuộc đấu tranh vì mục tiêu dân sinh, dân chủ, vì sự tiến bộ xã hội bị đàn áp đẫm máu. Song đã tạo được sự hưởng ứng, ủng hộ mạnh mẽ của công nhân khắp nơi trên nước Mỹ và nhiều nước trên thế giới lên tiếng ủng hộ công nhân Chicago. Khẩu hiệu “Ngày làm việc 8 giờ” trở thành tiếng nói chung của công nhân lao động ở nhiều nước. Từ các cuộc đấu tranh của công nhân lao động, chính phủ một số nước buộc phải ban hành đạo luật ngày làm việc 8 giờ. Để ghi nhận những thành quả của phong trào công nhân các nước, ngay trong Đại hội thành lập Quốc tế thứ II, ngày 14/7/1889, các đại biểu của giai cấp công nhân đã thông qua nghị quyết lấy ngày 1/5 làm ngày đoàn kết đấu tranh của công nhân lao động trên toàn thế giới. Từ đó, ngày 1/5 trở thành ngày Quốc tế Lao động; là ngày lễ tại nhiều quốc gia, là ngày hội của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, ngày đoàn kết giai cấp công nhân và các dân tộc bị áp bức trên thế giới trong cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Tại Việt Nam, ngày Quốc tế Lao động đầu tiên được tổ chức vào năm 1930. Ngày 1/5/1930, lần đầu tiên trong lịch sử phong trào công nhân ở Đông Dương, giai cấp công nhân nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đã biểu tình ngoài đường phố để biểu dương tình đoàn kết cách mạng với công nhân quốc tế, đồng thời đấu tranh trực diện với bọn đế quốc thực dân Pháp, đòi Pháp phải cải thiện điều kiện làm việc, phải tăng lương và thực hiện luật lao động ngày làm việc 8 giờ. Ngày 1/5/1946, lần đầu tiên trong lịch sử nước ta, ngày Quốc tế Lao động được tổ chức kỷ niệm mít tinh trọng thể tại Thủ đô Hà Nội. Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, nước nhà được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 22c NV/CC, ngày 18/2/1946 về những ngày nghỉ Tết, lễ kỷ niệm lịch sử và lễ tôn giáo, trong đó công bố: Ngày 1/5 là một trong những ngày lễ chính thức và công nhân lao động cả nước sẽ được nghỉ 1 ngày hưởng nguyên lương.

Kể từ sau năm 1975, kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1/5 ở Việt Nam càng có ý nghĩa khi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta kỷ niệm ngày chiến thắng 30/4. Đây là dịp giai cấp công nhân và nhân dân lao động cả nước ôn lại truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm; sôi nổi hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước để bày tỏ lòng tưởng nhớ, biết ơn sâu sắc với Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc ta. Người đã có công lao rất to lớn giúp nhân dân ta ý thức được ý nghĩa lịch sử và tác động của việc kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1/5. Từ đó càng thêm quyết tâm đi theo con đường cách mạng do Đảng và Bác kính yêu đã lựa chọn, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.


Các cấp công đoàn trong tỉnh Sóc Trăng thường xuyên tổ chức các hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, người lao động. Ảnh: HẢI HÀ

Ngày Quốc tế Lao động 1/5 không chỉ là dịp để kỷ niệm thắng lợi vẻ vang của phong trào công nhân quốc tế, mà còn là ngày thể hiện tinh thần đoàn kết, quyết tâm thực hiện nhiệm vụ mới của người lao động toàn thế giới. Đây cũng là dịp để tôn vinh những đóng góp to lớn của giai cấp công nhân trong sự nghiệp đấu tranh cho hòa bình, dân chủ, công bằng và tiến bộ xã hội. Ngày Quốc tế Lao động cũng là dịp nghỉ ngơi để người lao động trở lại với công việc một cách nhiệt thành, đầy sáng tạo như tinh thần bất diệt, trường tồn của ngày nghỉ lễ đặc biệt này.

Nhiều năm nay, tháng 5 còn được chọn là tháng cao điểm tổ chức các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động về mọi mặt, cả về vật chất lẫn tinh thần và sức khỏe với sự quan tâm sâu sắc của các cấp ủy đảng, chính quyền, người sử dụng lao động. Năm nay, Tháng Công nhân có chủ đề “Công nhân Việt Nam tiên phong bước vào kỷ nguyên mới”, Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động với chủ đề “Tăng cường đánh giá, nhận diện nguy cơ, rủi ro và chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn vệ sinh lao động tại nơi làm việc”.

Để hưởng ứng và thực hiện tốt Tháng Công nhân, Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động đạt hiệu quả, Liên đoàn Lao động tỉnh Sóc Trăng đã xây dựng kế hoạch với nhiều nội dung thiết thực, ý nghĩa, có tác động tích cực đến toàn xã hội. Dự kiến, trong tháng 5 sẽ diễn ra nhiều hoạt động như: Lễ phát động Tháng Công nhân, Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động; tổ chức chương trình “Sức khỏe của bạn”; trao 50 suất học bổng cho con đoàn viên, công nhân lao động đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn; tuyên dương đảng viên là công nhân tiêu biểu năm 2025… Qua đó góp phần khẳng định vai trò, vị trí và đóng góp của giai cấp công nhân trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết và ý chí vượt khó, các cấp công đoàn cùng với đội ngũ công nhân, người lao động trong toàn tỉnh đang nỗ lực không ngừng, chung sức phấn đấu nhằm hoàn thành tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới. Sự đồng lòng và quyết tâm ấy chính là động lực quan trọng góp phần xây dựng quê hương ngày càng phát triển bền vững và giàu mạnh.

HẢI HÀ


Atrás
Doanh nghiệp Sóc Trăng vừa thiếu vừa thừa lao động
Do ảnh hưởng suy thoái kinh tế thế giới, nhiều doanh nghiệp bị sụt giảm đơn hàng, không có đơn hàng mới nên buộc phải cắt giảm lao động; trong khi đó, nhiều doanh nghiệp lại thiếu lao động do mở rộng sản xuất, nhất là tình trạng nghỉ việc, nhảy việc. Nhiều doanh nghiệp Sóc Trăng rơi vào cảnh vừa thừa vừa thiếu lao động sau tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Tuyển lao động thế chỗ người nghỉ, mở rộng sản xuất
Tình trạng thiếu hụt lao động sau kỳ nghỉ Tết dần quen thuộc với các doanh nghiệp không riêng tại tỉnh Sóc Trăng, dù nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực giữ chân người lao động trong bối cảnh hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn.
Nhờ chủ động, linh hoạt trong sản xuất, kinh doanh, doanh số năm 2022 của Công ty Cổ phần Chế biến thủy sản Tài Kim Anh đạt 119 triệu USD, tăng 17% so với năm 2021, nên lương, thưởng Tết vừa qua cũng tăng theo. Nhưng theo đại diện công ty, hiện người lao động quay lại làm việc sau Tết chỉ khoảng 600/800 lao động so với trước Tết. Vì vậy, công ty đã có kế hoạch tuyển thêm từ 300 - 400 lao động để đào tạo, phục vụ sản xuất trong thời gian tới. Ngoài ra, công ty có kế hoạch xây dựng các sân bóng chuyền, cầu lông… để tạo sân chơi cho người lao động và đây được xem là chính sách thu hút lao động, để họ gắn bó lâu dài với doanh nghiệp lúc ổn định hay khó khăn trong tương lai.
Cùng cảnh ngộ với các doanh nghiệp trong tỉnh, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Khánh Sủng cũng tuyển thêm khoảng 500 lao động để bù vào phần lao động nghỉ việc và phục vụ cho xưởng sản xuất mới sắp đi vào hoạt động. Thời gian qua, công ty gặp không ít khó khăn, tuy nhiên công ty vẫn duy trì được sản xuất, kinh doanh, đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động, đồng thời khen thưởng lương tháng 13 cho công nhân lao động trong dịp tết Nguyên đán vừa qua.

Đồng chí Lâm Văn Mẫn - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng (thứ 4 từ phải sang) thăm hỏi, động viên người lao động đang làm việc tại công ty thủy sản trong tỉnh. Ảnh: HOÀNG LAN

Để tìm việc, người lao động chỉ cần dạo một vòng quanh Khu Công nghiệp An Nghiệp hoặc qua thông tin từ người thân, bạn bè đang làm việc tại đây, có thể dễ dàng tìm thấy các thông tin tuyển dụng. Đơn cử như Công ty Trách nhiệm hữu hạn E&W VINA chuyên may đồ bảo hộ y tế, khẩu trang… cũng treo băng rôn công khai thông tin tuyển lao động thường xuyên, với mức lương từ 5,5 triệu - 7 triệu đồng/người/tháng, kèm các chế độ theo quy định của pháp luật như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và các khoản ưu đãi khác theo chính sách riêng của công ty.
Thế nhưng việc tuyển dụng lao động không hề dễ, bởi mức lương hiện tại của các doanh nghiệp trong tỉnh so với các tỉnh, thành phố lớn có sự chênh lệnh lớn nên người lao động chấp nhận cảnh tha hương chứ không làm việc tại tỉnh; các chính sách đãi ngộ, thu hút lao động của các doanh nghiệp trong tỉnh chưa đủ hấp dẫn để người lao động chọn gắn bó dài lâu; tâm lý người lao động (nhất là lao động trẻ) thích đi làm xa nhà (đi theo bạn bè cùng trang lứa); các dịch vụ vui chơi, giải trí tại tỉnh chưa đáp ứng được nhu cầu của người lao động; các công trình phúc lợi (như nhà ở, trường học, chợ…) cũng chưa được đầu tư xây dựng. Bên cạnh đó, nguyên nhân nhiều doanh nghiệp khó tuyển được người lao động một phần cũng do người lao động không muốn bị ràng buộc (ký kết hợp đồng lao động) để có thể dễ nhảy việc, hoặc nghỉ làm khi không còn nhu cầu, về phía doanh nghiệp nếu tuyển dụng đối tượng này mà không có hợp đồng thì trái quy định pháp luật…
Chấm dứt hợp đồng lao động vì không có đơn hàng
Doanh nghiệp tuyển dụng lao động đã khó nhưng chưa khó bằng doanh nghiệp “thừa” lao động nên buộc phải chấm dứt hợp đồng, bởi điều đó phản ánh họ gặp rất nhiều khó khăn. Đơn cử như Công ty Cổ phần thực phẩm Thái Hòa, thành lập vào thời điểm năm 2020 chưa kịp ổn định sản xuất, năm 2021 đối mặt với đại dịch Covid-19, bước sang năm 2022 thì chịu tác động suy thoái kinh tế thế giới, xung đột giữa Nga và Ukraina, mà thị trường chủ lực của công ty là châu Âu, từ chỗ doanh nghiệp có 1.200 lao động nay chỉ còn trên dưới 500 lao động. Để duy trì sản xuất, kinh doanh và việc làm, thu nhập cho người lao động, công ty phải chuyển sang gia công cho các doanh nghiệp khác để hưởng tiền giá trị gia tăng ít ỏi để trả mức lương bình quân 5 triệu đồng/người/tháng cho người lao động.

 


Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu khảo sát, nắm tình hình hoạt động của Công ty Cổ phần Thực phẩm Thái Hòa - một trong những doanh nghiệp phải cắt giảm lao động do không có đơn hàng. Ảnh: HOÀNG LAN

Theo các doanh nghiệp, dự báo tình hình khó khăn vẫn còn tiếp tục kéo dài đến hết quý II năm 2023, vì vậy, việc doanh nghiệp cắt giảm lao động trong thời gian tới khó tránh khỏi. Tuy nhiên, từ đầu quý III, kinh tế thế giới sẽ khả quan hơn, vì vậy doanh nghiệp cũng chuẩn bị trước nguồn lao động để kịp sản xuất khi có đơn đặt hàng trở lại. Thông tin từ Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh, hiện các doanh nghiệp trong khu công nghiệp cần tuyển dụng khoảng vài ngàn lao động, để bù đắp cho số lao động nghỉ việc, nhảy việc sau Tết, mở rộng sản xuất, nhà máy mới đi vào hoạt động. Do vậy, người lao động cần cân nhắc và lựa chọn công việc phù hợp để ổn định việc làm, thu nhập và gắn bó dài lâu với doanh nghiệp.
Cần chính sách thu hút lao động phù hợp
Trong chuyến khảo sát, nắm tình hình hoạt động của doanh nghiệp ngay sau tết Nguyên đán 2023, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Lâu khẳng định, sẽ đồng hành, hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp hoạt động, vì doanh nghiệp phát triển sẽ tạo nhiều công ăn việc làm hơn cho người dân, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh phát triển. Ngoài ra, dự kiến trong năm 2023, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và tỉnh sẽ khởi công xây dựng Khu Thiết chế Công đoàn tại Khu Công nghiệp An Nghiệp tỉnh Sóc Trăng có quy mô 5,06ha để xây dựng quảng trường, nhà văn hóa thể thao đa năng và khoảng 1.000 căn nhà ở công nhân dạng chung cư để phục vụ người lao động tại khu công nghiệp.
Bên cạnh sự quan tâm của các ngành, các cấp, bản thân các doanh nghiệp cũng cần có giải pháp để phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh khó khăn chung; có kế hoạch tuyển dụng nhân sự, nhất là quan tâm xây dựng chính sách về lương, thưởng, phúc lợi cho người lao động; phối hợp với tổ chức công đoàn quan tâm chăm lo tốt sức khỏe, đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động; thường xuyên lắng nghe tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người lao động; giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc của họ, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người lao động.
Tin rằng, với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền trong đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi, đồng hành cùng doanh nghiệp sẽ vượt khó và quan trọng nhất là doanh nghiệp cần có các chính sách đãi ngộ phù hợp thì người lao động nhất định sẽ chọn gắn bó lâu dài cùng doanh nghiệp, để cùng phát triển bền vững, ổn định.

HOÀNG LAN


liên kết web

LƯỢT TRUY CẬP LƯỢT TRUY CẬP

 
Tổng lượt truy cập
 

Bản quyền thuộc về: Liên đoàn Lao động tỉnh Sóc Trăng
Địa chỉ: số 10 Trần Hưng Đạo, phường 2, TP Sóc Trăng
Điện thoại: 0793 821497 - Fax: 0793 829008 - Email: bantuyengiaoldldst@gmail.com
Ghi rõ nguồn "Liên đoàn Lao động tỉnh Sóc Trăng" khi phát hành lại thông tin từ website này