Atrás
Họp mặt cán bộ Công đoàn chuyên trách 3 tỉnh qua các thời kỳ
Cuộc họp mặt cán bộ công đoàn chuyên trách qua các thời kỳ tại 3 tỉnh: Hậu Giang - TP Cần Thơ - Sóc Trăng vừa được tổ chức chiều 30.7.

Dự buổi họp mặt có đồng chí Trần Văn Huyến, Phó Bí Thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hậu Giang.

Phát biểu tại buổi họp mặt, đồng chí Trần Văn Huyến khẳng định, cùng với quá trình phát triển của đất nước, giai cấp công nhân, người lao động và tổ chức công đoàn của Hậu Giang, Sóc Trăng và TP Cần Thơ, đã có bước trưởng thành, phát triển cả về số lượng và chất lượng.

Với những thành tích đã đạt được trong thời gian qua, của Công đoàn Hậu Giang nói riêng và Công đoàn Sóc Trăng, Cần Thơ nói chung phát huy vai trò của mình, đóng góp, tạo bước phát triển tốt, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Thời gian tới, tổ chức công đoàn cần đẩy mạnh nhiều hoạt động chăm lo đời sống vật chất, văn hóa tinh thần cho cán bộ, công chức, viên chức, công nhân lao động, góp phần giúp người lao động giảm bớt khó khăn, yên tâm công tác, cống hiến và lao động sản xuất.

Tập trung hướng về cơ sở, xây dựng tổ chức Công đoàn cơ sở vững mạnh, chỗ dựa tin cậy của đoàn viên, công nhân lao động.

Đồng chí Lê Công Khanh - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Hậu Giang phát biểu: "Nhìn lại chặng đường 95 năm đã qua, chúng ta luôn tự hào về truyền thống vẻ vang của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam.

Các đại biểu dự Họp mặt cán bộ công đoàn chuyên trách qua các thời kỳ 3 tỉnh Hậu Giang - TP Cần Thơ và tỉnh Sóc Trăng chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: Anh Khoa.

Đó là truyền thống yêu nước, tự cường, trung thành tuyệt đối với lý tưởng của Đảng; truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái; hết lòng phấn đấu vì quyền lợi của giai cấp công nhân và người lao động. Thời gian qua, Công đoàn Hậu Giang đã trưởng thành về mọi mặt, đóng góp rất lớn cho sự phát triển chung của tỉnh nhà".

Để ghi nhận biểu dương những tấm gương điển hình tiên tiến trong phong trào đổi mới sáng tạo hiệu quả trong hoạt động tổ chức công đoàn, năm nay, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh Hậu Giang quyết định tôn vinh chủ tịch công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn cơ sở xuất sắc, tiêu biểu cấp tỉnh với số lượng 95 cá nhân.

Đoàn đại biểu tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Hậu Giang. 

Dịp này, nhiều cán bộ công đoàn được tặng kỷ niệm chương Vì sự nghiệp xây dựng tổ chức Công đoàn của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; các đồng chí nguyên là chủ tịch, phó chủ tịch, ủy viên ban thường vụ liên đoàn 3 tỉnh, thành phố qua các thời kỳ được tặng quà thay cho lời tri ân và cảm ơn với những đóng góp trong thời gian qua.

Trước đó, Đoàn đại biểu dự Họp mặt cán bộ công đoàn chuyên trách qua các thời kỳ 3 tỉnh Hậu Giang - TP Cần Thơ và tỉnh Sóc Trăng đã đến viếng Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Hậu Giang.

BÍCH NGỌC


Atrás
Ưu tiên hỗ trợ nhà ở cho đồng bào dân tộc thiểu số trước tết Chôl Chnăm Thmây năm 2025
Chiều ngày 3/4, tại Tỉnh ủy Sóc Trăng, đồng chí Hồ Thị Cẩm Đào - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì cuộc họp giao ban định kỳ với lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các đoàn thể chính trị - xã hội cấp tỉnh quý I năm 2025.

Dự họp còn có các đồng chí: Trần Văn Việt - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy; Ngô Hùng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh; Nguyễn Văn Khởi - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các đoàn thể chính trị - xã hội.

Trong quý I/2025, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và hội các cấp phối hợp tốt với các ban, ngành trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; kịp thời phản ánh và tham mưu cấp ủy, chính quyền giải quyết tốt những vấn đề phát sinh trong thực tiễn, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đã vận động các nguồn lực xã hội, tổ chức thăm, tặng quà cho người nghèo nhân dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025. Qua đó đã hỗ trợ được 146.937 suất quà, trị giá hơn 60 tỷ đồng. Vận động đóng góp Quỹ “Vì người nghèo” các cấp tỉnh Sóc Trăng, đã tiếp nhận được hơn 270 tỷ đồng.


Quang cảnh cuộc họp

Thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đồng chí Hồ Thị Cẩm Đào ghi nhận, đánh giá cao những kết quả đạt được của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, Hội Chữ thập đỏ tỉnh. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy nhấn mạnh, những kết quả đó đã góp phần rất quan trọng trong việc xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh.

Về phương hướng trong thời gian tới, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đề nghị, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội cần tiếp tục phát huy vai trò trong xây dựng, củng cố, tăng cường và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, đoàn viên và nhân dân tích cực tham gia các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước để thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025. Thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Đồng chí Hồ Thị Cẩm Đào cũng đề nghị, tiếp tục phát huy tốt vai trò cầu nối, trực tiếp huy động xã hội hóa các nguồn lực để thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với các cấp, các ngành phấn đấu thực hiện hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trước ngày 30/6/2025. Trong đó, ưu tiên hoàn thành hỗ trợ nhà ở cho đồng bào dân tộc thiểu số trước tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây năm 2025 của đồng bào Khmer và cho người có công trước ngày 30/4/2025.

HẢI HÀ


Atrás
Doanh nghiệp Sóc Trăng vừa thiếu vừa thừa lao động
Do ảnh hưởng suy thoái kinh tế thế giới, nhiều doanh nghiệp bị sụt giảm đơn hàng, không có đơn hàng mới nên buộc phải cắt giảm lao động; trong khi đó, nhiều doanh nghiệp lại thiếu lao động do mở rộng sản xuất, nhất là tình trạng nghỉ việc, nhảy việc. Nhiều doanh nghiệp Sóc Trăng rơi vào cảnh vừa thừa vừa thiếu lao động sau tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Tuyển lao động thế chỗ người nghỉ, mở rộng sản xuất
Tình trạng thiếu hụt lao động sau kỳ nghỉ Tết dần quen thuộc với các doanh nghiệp không riêng tại tỉnh Sóc Trăng, dù nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực giữ chân người lao động trong bối cảnh hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn.
Nhờ chủ động, linh hoạt trong sản xuất, kinh doanh, doanh số năm 2022 của Công ty Cổ phần Chế biến thủy sản Tài Kim Anh đạt 119 triệu USD, tăng 17% so với năm 2021, nên lương, thưởng Tết vừa qua cũng tăng theo. Nhưng theo đại diện công ty, hiện người lao động quay lại làm việc sau Tết chỉ khoảng 600/800 lao động so với trước Tết. Vì vậy, công ty đã có kế hoạch tuyển thêm từ 300 - 400 lao động để đào tạo, phục vụ sản xuất trong thời gian tới. Ngoài ra, công ty có kế hoạch xây dựng các sân bóng chuyền, cầu lông… để tạo sân chơi cho người lao động và đây được xem là chính sách thu hút lao động, để họ gắn bó lâu dài với doanh nghiệp lúc ổn định hay khó khăn trong tương lai.
Cùng cảnh ngộ với các doanh nghiệp trong tỉnh, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Khánh Sủng cũng tuyển thêm khoảng 500 lao động để bù vào phần lao động nghỉ việc và phục vụ cho xưởng sản xuất mới sắp đi vào hoạt động. Thời gian qua, công ty gặp không ít khó khăn, tuy nhiên công ty vẫn duy trì được sản xuất, kinh doanh, đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động, đồng thời khen thưởng lương tháng 13 cho công nhân lao động trong dịp tết Nguyên đán vừa qua.

Đồng chí Lâm Văn Mẫn - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng (thứ 4 từ phải sang) thăm hỏi, động viên người lao động đang làm việc tại công ty thủy sản trong tỉnh. Ảnh: HOÀNG LAN

Để tìm việc, người lao động chỉ cần dạo một vòng quanh Khu Công nghiệp An Nghiệp hoặc qua thông tin từ người thân, bạn bè đang làm việc tại đây, có thể dễ dàng tìm thấy các thông tin tuyển dụng. Đơn cử như Công ty Trách nhiệm hữu hạn E&W VINA chuyên may đồ bảo hộ y tế, khẩu trang… cũng treo băng rôn công khai thông tin tuyển lao động thường xuyên, với mức lương từ 5,5 triệu - 7 triệu đồng/người/tháng, kèm các chế độ theo quy định của pháp luật như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và các khoản ưu đãi khác theo chính sách riêng của công ty.
Thế nhưng việc tuyển dụng lao động không hề dễ, bởi mức lương hiện tại của các doanh nghiệp trong tỉnh so với các tỉnh, thành phố lớn có sự chênh lệnh lớn nên người lao động chấp nhận cảnh tha hương chứ không làm việc tại tỉnh; các chính sách đãi ngộ, thu hút lao động của các doanh nghiệp trong tỉnh chưa đủ hấp dẫn để người lao động chọn gắn bó dài lâu; tâm lý người lao động (nhất là lao động trẻ) thích đi làm xa nhà (đi theo bạn bè cùng trang lứa); các dịch vụ vui chơi, giải trí tại tỉnh chưa đáp ứng được nhu cầu của người lao động; các công trình phúc lợi (như nhà ở, trường học, chợ…) cũng chưa được đầu tư xây dựng. Bên cạnh đó, nguyên nhân nhiều doanh nghiệp khó tuyển được người lao động một phần cũng do người lao động không muốn bị ràng buộc (ký kết hợp đồng lao động) để có thể dễ nhảy việc, hoặc nghỉ làm khi không còn nhu cầu, về phía doanh nghiệp nếu tuyển dụng đối tượng này mà không có hợp đồng thì trái quy định pháp luật…
Chấm dứt hợp đồng lao động vì không có đơn hàng
Doanh nghiệp tuyển dụng lao động đã khó nhưng chưa khó bằng doanh nghiệp “thừa” lao động nên buộc phải chấm dứt hợp đồng, bởi điều đó phản ánh họ gặp rất nhiều khó khăn. Đơn cử như Công ty Cổ phần thực phẩm Thái Hòa, thành lập vào thời điểm năm 2020 chưa kịp ổn định sản xuất, năm 2021 đối mặt với đại dịch Covid-19, bước sang năm 2022 thì chịu tác động suy thoái kinh tế thế giới, xung đột giữa Nga và Ukraina, mà thị trường chủ lực của công ty là châu Âu, từ chỗ doanh nghiệp có 1.200 lao động nay chỉ còn trên dưới 500 lao động. Để duy trì sản xuất, kinh doanh và việc làm, thu nhập cho người lao động, công ty phải chuyển sang gia công cho các doanh nghiệp khác để hưởng tiền giá trị gia tăng ít ỏi để trả mức lương bình quân 5 triệu đồng/người/tháng cho người lao động.

 


Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu khảo sát, nắm tình hình hoạt động của Công ty Cổ phần Thực phẩm Thái Hòa - một trong những doanh nghiệp phải cắt giảm lao động do không có đơn hàng. Ảnh: HOÀNG LAN

Theo các doanh nghiệp, dự báo tình hình khó khăn vẫn còn tiếp tục kéo dài đến hết quý II năm 2023, vì vậy, việc doanh nghiệp cắt giảm lao động trong thời gian tới khó tránh khỏi. Tuy nhiên, từ đầu quý III, kinh tế thế giới sẽ khả quan hơn, vì vậy doanh nghiệp cũng chuẩn bị trước nguồn lao động để kịp sản xuất khi có đơn đặt hàng trở lại. Thông tin từ Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh, hiện các doanh nghiệp trong khu công nghiệp cần tuyển dụng khoảng vài ngàn lao động, để bù đắp cho số lao động nghỉ việc, nhảy việc sau Tết, mở rộng sản xuất, nhà máy mới đi vào hoạt động. Do vậy, người lao động cần cân nhắc và lựa chọn công việc phù hợp để ổn định việc làm, thu nhập và gắn bó dài lâu với doanh nghiệp.
Cần chính sách thu hút lao động phù hợp
Trong chuyến khảo sát, nắm tình hình hoạt động của doanh nghiệp ngay sau tết Nguyên đán 2023, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Lâu khẳng định, sẽ đồng hành, hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp hoạt động, vì doanh nghiệp phát triển sẽ tạo nhiều công ăn việc làm hơn cho người dân, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh phát triển. Ngoài ra, dự kiến trong năm 2023, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và tỉnh sẽ khởi công xây dựng Khu Thiết chế Công đoàn tại Khu Công nghiệp An Nghiệp tỉnh Sóc Trăng có quy mô 5,06ha để xây dựng quảng trường, nhà văn hóa thể thao đa năng và khoảng 1.000 căn nhà ở công nhân dạng chung cư để phục vụ người lao động tại khu công nghiệp.
Bên cạnh sự quan tâm của các ngành, các cấp, bản thân các doanh nghiệp cũng cần có giải pháp để phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh khó khăn chung; có kế hoạch tuyển dụng nhân sự, nhất là quan tâm xây dựng chính sách về lương, thưởng, phúc lợi cho người lao động; phối hợp với tổ chức công đoàn quan tâm chăm lo tốt sức khỏe, đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động; thường xuyên lắng nghe tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người lao động; giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc của họ, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người lao động.
Tin rằng, với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền trong đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi, đồng hành cùng doanh nghiệp sẽ vượt khó và quan trọng nhất là doanh nghiệp cần có các chính sách đãi ngộ phù hợp thì người lao động nhất định sẽ chọn gắn bó lâu dài cùng doanh nghiệp, để cùng phát triển bền vững, ổn định.

HOÀNG LAN


liên kết web

LƯỢT TRUY CẬP LƯỢT TRUY CẬP

 
Tổng lượt truy cập