Atrás
Nâng cao vị thế, vai trò của tổ chức công đoàn
Phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt nhằm góp phần xây dựng công đoàn ngày càng vững mạnh và thực hiện tốt chức năng đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động.

Với ý nghĩa đó, các cấp công đoàn trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã nỗ lực, sáng tạo để thực hiện tốt công tác này.

Kỳ 1: Hướng về cơ sở

Chỗ dựa cho người lao động tự do

Bán vé số là công việc mưu sinh của nhiều người, phần lớn là người có hoàn cảnh khó khăn. Do đặc thù công việc nên lực lượng lao động ở lĩnh vực này chưa có tổ chức đại diện. Bởi vậy, các nghiệp đoàn vé số được ra đời trong thời gian gần đây đã đánh dấu một bước ngoặt mới khi có tổ chức đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp.

Được thành lập cách đây hơn 2 tháng, Nghiệp đoàn vé số Trần Đề (huyện Trần Đề) có 30 thành viên đang sinh sống và bán vé số trên địa bàn huyện. Ông Huỳnh Lin, ấp Giồng Chùa, thị trấn Trần Đề cho biết: "Trước đây thì mạnh ai nấy bán, nếu khó khăn cũng không biết dựa vào đâu. Khi vào nghiệp đoàn, tôi thấy mọi người sống chan hòa, hỗ trợ với nhau. Chúng tôi cũng được cán bộ công đoàn thông tin về chủ trương, đường lối của Đảng, các chính sách, pháp luật của Nhà nước và tổ chức Công đoàn. Sắp tới, tôi sẽ tham gia vận động thêm người bán vé số vào nghiệp đoàn".

Việc thành lập Nghiệp đoàn vé số được Liên đoàn Lao động huyện Trần Đề ấp ủ từ lâu, nhằm tập hợp người lao động tự do có thể tiếp cận các chính sách an sinh xã hội và được chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp và hỗ trợ nhau trong công việc, cuộc sống. Đồng chí Hoa Trần Thế - Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Trần Đề cho biết, đây là nghiệp đoàn thứ 4 của huyện được thành lập. Trước đó, huyện đã thành lập 2 nghiệp đoàn về nghề cá và 1 nghiệp đoàn bốc xếp ở Cảng cá Trần Đề. Các nghiệp đoàn này đều hoạt động hiệu quả, đoàn viên tương trợ lẫn nhau và có thu nhập ổn định cho đoàn viên. Tổ chức công đoàn cũng quan tâm, hỗ trợ cho những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn để vươn lên trong cuộc sống.

Việc thành lập các nghiệp đoàn cơ sở đã trở nên phổ biến hơn trong thời gian gần đây. Các cấp công đoàn trên địa bàn tỉnh đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả nhằm thu hút, tập hợp người lao động trong khu vực phi chính thức (lao động tự do) vào tổ chức nghiệp đoàn. Đặc biệt là, việc thành lập các nghiệp đoàn không chỉ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên mà còn gắn với việc thực hiện các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương. Tiêu biểu như Nghiệp đoàn xe Honda chở khách và Phòng, chống tội phạm ở thị xã Vĩnh Châu. Từ ngày được thành lập, thành viên trong nghiệp đoàn khi ra đường hành nghề được trang bị đồng phục, phân chia khu vực hoạt động nề nếp, không tranh giành địa bàn, hỗ trợ giúp nhau trong mọi việc. Họ cũng ý thức hơn trong giao tiếp, tạo được ấn tượng tốt với người dân địa phương, khách hàng. Các đoàn viên cũng phối hợp với lực lượng công an để đảm bảo tình hình an ninh trật tự tại địa phương thông qua việc nắm tình hình, cung cấp cho công an các nguồn tin có giá trị về tội phạm, vi phạm pháp luật. Qua đó cho thấy, tổ chức công đoàn không chỉ gói gọn trong các hoạt động truyền thống mà ngày càng linh hoạt trong công tác vận động người lao động khu vực phi chính thức.

Đoàn viên Nghiệp đoàn bốc xếp Cảng cá Trần Đề (bên phải) trong giờ làm việc. Ảnh: HẢI HÀ

Gắn kết với người lao động

Với phương châm “ở đâu có người lao động, ở đó có tổ chức công đoàn”, thời gian qua, các cấp công đoàn trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp trong công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở. Chính vì vậy, số lượng đoàn viên được kết nạp và số công đoàn được thành lập mới đã tăng đáng kể, quyền lợi của người lao động ngày càng được đảm bảo.

Trong 7 tháng qua, các cấp công đoàn trên địa bàn tỉnh đã phát triển mới 2.574 đoàn viên. Đồng thời thành lập mới 17 công đoàn cơ sở, trong đó có 3 nghiệp đoàn cơ sở ở khu vực phi chính thức. Đoàn viên sau khi được kết nạp chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các nội quy lao động, quy định tại công ty, đơn vị. Đoàn viên công đoàn cũng hưởng ứng các phong trào thi đua lao động, sản xuất nhằm tăng năng suất lao động; tích cực tham gia các hoạt động công đoàn do công đoàn cơ sở tổ chức.

Với nhiều hoạt động thiết thực, Công đoàn cơ sở Công ty Trách nhiệm hữu hạn Mediprotek Vina trực thuộc Công đoàn Các khu công nghiệp tỉnh Sóc Trăng đã trở thành điểm tựa vững chắc cho đoàn viên, người lao động của công ty. Dù mới thành lập hơn 1 năm nhưng tổ chức công đoàn ngày càng khẳng định vai trò đối với người lao động. Trong năm qua, Công đoàn đã kết hợp với công ty kiểm tra, giám sát nơi cung cấp suất ăn, đảm bảo chất lượng bữa ăn giữa ca cho đoàn viên, người lao động. Đồng thời thực hiện đầy đủ các hoạt động tặng quà trong dịp lễ, Tết; quan tâm trợ cấp khi đoàn viên gặp khó khăn, ốm đau, tai nạn, hiếu hỷ.

Việc thành lập công đoàn cơ sở góp phần xây dựng tổ chức công đoàn ngày càng vững mạnh. Ảnh: HẢI HÀ

Anh Bành Văn Trắng - Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty Trách nhiệm hữu hạn Mediprotek Vina cho biết: “Chúng tôi luôn cố gắng phát huy tinh thần đoàn kết của đoàn viên cũng như tích cực đề xuất với lãnh đạo công ty việc chăm lo cho đoàn viên nhằm đảm bảo quyền lợi người lao động và lợi ích của công ty. Từ đó, tạo nên một mối liên kết bền vững giữa người sử dụng lao động và người lao động”.

Cùng với sự phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở, các tổ chức công đoàn cũng nâng cao vai trò, vị trí của mình, nhất là vai trò đại diện, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động. Tuy nhiên, công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở hiện còn gặp nhiều khó khăn. Do đó, các cấp công đoàn trên địa bàn tỉnh đang nỗ lực để giải quyết vấn đề này.

HẢI HÀ


Atrás
Công đoàn đã thể hiện được vai trò quan trọng trong hệ thống chính trị
Chiều 16.10, tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ và Tổng LĐLĐVN, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhận xét: Với những hoạt động hiệu quả, tổ chức công đoàn đã nâng cao được vị thế, uy tín của mình trong công tác phòng chống dịch và phát triển kinh tế xã hội. Thể hiện được vai trò quan trọng của tổ chức công đoàn trong hệ thống chính trị.

          Tổ chức công đoàn đã nâng cao được vị thế, uy tín của mình

       Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhận xét, các đại biểu dự hội nghị đóng góp ý kiến đều xác đáng, thể hiện sự quan tâm đến đoàn viên, NLĐ; nêu được những vấn đề quan trọng để nâng cao chất lượng chăm lo NLĐ trong thời điểm hiện nay.

Thủ tướng ghi nhận, biểu dương những đóng góp của các cấp công đoàn và người lao động, công nhân trong phòng chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội Ảnh: Hải Nguyễn

         Thủ tướng cũng đánh giá cao công tác phối hợp giữa Chính phủ và Tổng LĐLĐVN trong những tháng đầu năm 2021.

          “Hai bên thực hiện quy chế phối hợp trong khoảng thời gian diễn ra nhiều sự kiện lớn của đất nước như Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Bầu cử Đại biểu Quốc hội khoá XV, triển khai Nghị quyết của Đại hội Đảng trong đó đề ra mục tiêu cụ thể đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước: Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, trở thành nước phát triển, thu nhập cao - đây đều là những mục tiêu rất quan trọng, đòi hỏi toàn Đảng, toàn quân, toàn dân phải tập trung, nỗ lực thực hiện. Với vai trò của mình, Chính phủ và Tổng LĐLĐVN đã phối hợp hiệu quả và đạt được kết quả nhất định góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị mỗi bên, góp phần với Đảng, Nhà nước trong việc phòng chống dịch COVID-19, duy trì hoạt động phát triển kinh tế xã hội, nhất là trong đợt dịch COVID-19 thứ 4” - Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu kết luận tại hội nghị. Ảnh: Hải Nguyễn 

        Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ đánh giá cao việc phòng chống dịch COVID-19, phát triển kinh tế xã hội của đoàn viên, người lao động (NLĐ), tổ chức công đoàn. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ cũng chia sẻ, cảm thông sâu sắc, thấu hiểu đối với những mất mát, hy sinh, khó khăn, thách thức mà NLĐ, các cấp công đoàn đã và đang gặp phải trong đợt dịch vừa qua.

       Thủ tướng đánh giá cao các hoạt động của các cấp công đoàn trong thời gian qua. Trong đó công đoàn đã có nhiều hoạt động lắng nghe ý kiến của NLĐ, DN để có biện pháp hỗ trợ kịp thời; công đoàn cũng làm tốt công tác tuyên truyền, vận động NLĐ chấp hành tốt cả chủ trương của Đảng, Nhà nước, chính quyền, DN trong công tác phòng chống dịch COVID-19; công đoàn đã đồng hành cùng DN xây dựng các biện pháp chống dịch hiệu quả để đảm bảo sản xuất kinh doanh, NLĐ làm việc an toàn; tổ chức công đoàn cũng có những sáng kiến, sáng tạo, cách làm hay như tổ chức “Siêu thị 0 đồng”, “Tổ an toàn COVID”, “Bảo vệ vùng xanh doanh nghiệp”; hỗ trợ kịp thời NLĐ, DN bị ảnh hưởng bởi COVID-19; phối hợp với các bộ, ngành đề xuất với Chính phủ những gói hỗ trợ cho NLĐ và DN; đặc biệt đã có nhiều cán bộ công đoàn cơ sở không ngại hiểm nguy, vất vả để gần gũi, chăm lo NLĐ tại những điểm nóng về COVID-19 - họ thực sự là lực lượng quan trọng trong tuyến đầu chống dịch…

          “Với những hoạt động hiệu quả, tổ chức công đoàn đã nâng cao được vị thế, uy tín của mình trong công tác phòng chống dịch và phát triển kinh tế xã hội. Thể hiện được vai trò quan trọng của tổ chức công đoàn trong hệ thống chính trị” - Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận xét.

           Tập trung khôi phục việc đứt gãy thị trường lao động

           Thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, Chính phủ và Tổng LĐLĐVN cần tiếp tục tập trung hoàn thành tốt nhiệm vụ theo Nghị quyết của Đảng, góp phần nâng cao vị thế mỗi bên, góp phần tăng cường lợi ích chính đáng của đoàn viên NLĐ - gắn với việc xây dựng giai cấp công nhân hiện đại…

          Thủ tướng cũng lưu ý, các cấp, các ngành, không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác trong công tác phòng chống dịch COVID-19.

         “Không có cá nhân nào an toàn khi vẫn có người mắc COVID-19; không có một doanh nghiệp nào an toàn khi có NLĐ mắc COVID-19; không một quốc gia nào an toàn nếu dịch COVID-19 chưa được khống chế… Tuy nhiên, chúng ta phải bình tĩnh, không hoang mang, lo sợ, để có những biện pháp phòng chống dịch COVID-19 hiệu quả và có phương án sản xuất, kinh doanh hiệu quả” - Thủ tướng nhấn mạnh.

           Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo, trong thời gian tới, phải khôi phục việc đứt gãy thị trường lao động, bằng các giải pháp: Đảm bảo phúc lợi, an sinh xã hội cho NLĐ; nâng cao lợi ích chính đáng, hợp pháp của NLĐ về vật chất, tinh thần; thực hiện chương trình nâng cao tay nghề cho NLĐ; phát triển sản xuất kinh doanh để tạo việc làm ổn định cho NLĐ. Với hoạt động trên, Thủ tướng giao cho Bộ LĐTBXH chủ trì, phối hợp với Tổng LĐLĐVN, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và các bộ, ngành, địa phương thực hiện.

         Thủ tướng đề nghị công đoàn tiếp tục triển khai khai các phong trào thi đua vượt khó, “lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “năng suất cao, chất lượng tốt”, “mỗi người làm việc bằng hai” cùng cả nước phòng chống dịch, phục hồi kinh tế…

           Tổng LĐLĐVN phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ LĐTBXH, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cùng chính quyền địa phương tiếp tục làm tốt công tác đào tạo, nâng cao trình độ mọi mặt cho người lao động, trước hết là kỹ năng nghề, kiến thức pháp luật, ý thức chính trị, bản lĩnh giai cấp, tác phong công nghiệp, tinh thần trách nhiệm, sự gắn bó với doanh nghiệp... Công đoàn phải là một kênh tham gia triển khai một trong ba khâu đột phá chiến lược là đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao.

        Thủ tướng lưu ý, Tổng LĐLĐVN cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động công đoàn theo tinh thần Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của công đoàn Việt Nam, nhất là nâng cao chất lượng của các cán bộ công đoàn phải ngang tầm nhiệm vụ; xây dựng công đoàn Việt Nam vững mạnh toàn diện, có năng lực thích ứng và giải quyết các vấn đề đặt ra, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ trong tình hình mới. Chính phủ sẽ phối hợp với Tổng LĐLĐVN tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về công đoàn, giai cấp công nhân, người lao động, tạo hành lang pháp lý tốt nhất bảo vệ người lao động…

           Thủ tướng còn đề nghị Tổng LĐLĐVN tăng cường tuyên truyền, vận động đoàn viên, người lao động hiểu, chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chia sẻ với khó khăn chung của đất nước, DN, đoàn kết, đồng thuận đưa đất nước vượt qua mọi khó khăn. Làm tốt hơn nữa vai trò giám sát và phản biện xã hội; giải quyết có hiệu quả những vấn đề xã hội bức xúc ngay tại cơ sở, góp phần bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.

         Thủ tướng giao các ban, bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương tích cực phối hợp với Tổng LĐLĐVN và các cấp công đoàn giải quyết kịp thời nhu cầu, nguyện vọng, quyền lợi chính đáng của người lao động, nhất là về việc làm, thu nhập, vấn đề nhà ở, trường học, trạm y tế, nơi vui chơi giải trí…  

              Có cơ chế phù hợp để xây nhà ở cho NLĐ

            Về các đề xuất, kiến nghị của Tổng LĐLĐVN, Thủ tướng giao các Bộ, ngành căn cứ chức năng, nhiệm vụ và quy định hiện hành khẩn trương xử lý, giải quyết; báo cáo các cấp những vấn đề vượt thẩm quyền.

          Trong đó, về vấn đề nhà ở cho NLĐ, Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng và Tổng LĐLĐVN cùng các bộ, ngành tập trung giải quyết theo hướng hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; bố trí, quy hoạch quỹ đất; có cơ chế phù hợp với cơ chế thị trường để huy động các nguồn lực, nhất là hợp tác công tư để công đoàn, địa phương và các doanh nghiệp tham gia, đồng thời bố trí kinh phí đầu tư công trung hạn trong công tác xây nhà cho NLĐ. Kế hoạch đầu tư công trung hạn cũng dự kiến bố trí thêm kinh phí để tăng cường đào tạo, nâng cao tay nghề cho công nhân.


Người lao động ra sức thi đua lao động sản xuất. Ảnh minh hoạ: Việt Lâm 

           Thủ tướng cho biết Đảng, Nhà nước đã và đang rất quyết liệt, tích cực triển khai chiến lược vaccine, ngoại giao vaccine, phấn đấu trong quý IV.2021 bao phủ vaccine cho các đối tượng ưu tiên, trong đó có công nhân.

          Thủ tướng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, khẩn trương chỉ đạo thực hiện lộ trình để học sinh trở lại trường học tại những nơi an toàn.

          Thủ tướng mong muốn các cấp công đoàn, công nhân, người lao động và các doanh nghiệp tích cực, phát huy tối đa tính chủ động, sáng tạo, nâng cao tính tự chủ, tinh thần trách nhiệm trong phòng chống dịch để góp phần thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động.

          Sau khi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo, thay mặt Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, Chủ tịch Nguyễn Đình Khang đã trân trọng cảm ơn Thủ tướng, Chính phủ đã đánh giá, ghi nhận những hoạt động của NLĐ, tổ chức công đoàn và chia sẻ khó khăn, gian khó của NLĐ, DN, tổ chức công đoàn trong thời gian qua.

        Chủ tịch Tổng LĐLĐVN xin tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và góp ý, hỗ trợ của các bộ, ban ngành để triển khai tốt quy chế phối hợp giữa Chính phủ và Tổng LĐLĐVN.

          Trong thời gian tới, các cấp công đoàn mong muốn tiếp tục nhận được sự chỉ đạo, hỗ trợ của Thủ tướng, Chính phủ để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chăm lo, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên, NLĐ nhằm xây dựng giai cấp CNLĐ ngày càng lớn mạnh… 

VIỆT LÂM

Báo Lao động Online


liên kết web

LƯỢT TRUY CẬP LƯỢT TRUY CẬP

 
Tổng lượt truy cập