TIN HOẠT ĐỘNG TIN HOẠT ĐỘNG

Zurück
VẤN ĐỀ SA THẢI LAO ĐỘNG TRÊN 35 TUỔI
“Qua khảo sát 64 doanh nghiệp, nhiều người lao động nghỉ việc sau khi làm từ 6-7 năm. Lao động chỉ làm đến 31-32 tuổi và ít người làm đến 35 tuổi. Về lâu dài, một số lượng lớn lao động mất việc làm, gia tăng gánh nặng cho nền kinh tế và tăng số nguy cơ lao động nhận BHXH một lần, tác động đến an sinh xã hội” – Đây là thông tin được Phó Trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) Lê Đình Quảng trao đổi với báo giới tại cuộc họp báo do BHXH Việt Nam tổ chức mới đây tại Hà Nội.
 
     Độ tuổi trung bình của công nhân Việt Nam ở mức thấp
      Theo kết quả điều tra của Viện Công nhân và Công đoàn, bình quân độ tuổi của công nhân lao động trong các doanh nghiệp chỉ là 31,2 tuổi, trong đó công nhân lao động trong các doanh nghiệp điện – điện tử là 26,9 tuổi; dệt may – giày da là 29,5 tuổi; chế biến – chế tạo là 30,9 tuổi…và thời gian trung bình công nhân lao động làm cho các doanh nghiệp chỉ là 6-7 năm. Điều này chủ yếu là do các doanh nghiệp (đặc biệt là các doanh nghiệp FDI) đang có xu hướng chấm dứt hợp đồng với công nhân lao động từ 35 tuổi trở lên. Sa thải lao động trên 35 tuổi nhiều nhất đa phần là doanh nghiệp trong ngành may m ặc, dệt may, điện tử…Công việc của người lao động tại đây thông thường chỉ là một hay một chuỗi các thao tác đơn giản đã được chuyên môn hóa trong vô vàn công đoạn của quy trình sản xuất. Yêu cầu về trình độ kỹ thuật thấp sẽ đi kèm với yêu cầu về người lao động vô cùng đơn giản, chỉ cần đủ tuổi, khả năng lao động theo đúng luật. Sau đó, khi được tuyển chọn, người lao động chỉ cần được đào tạo trong thời gian ngắn, có khi chỉ 2-3 tuần, là có thể hoàn toàn đảm nhận được.
     Theo Phó Trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) Lê Đình Quảng, tình trạng doanh nghiệp “thải loại” lao động trên 35 tuổi đang trở thành một xu hướng có thật. Tình trạng này đã diễn ra cách đây 6-7 năm nhưng tới thời điểm này diễn ra rõ hơn. Cụ thể, qua thực tế giải quyết tình trạng thất nghiệp của BHXH TP. Hà Nội trong năm 2017, cho thấy tình trạng cho lao động quá 35 tuổi nghỉ việc nhiều. Tình trạng này xuất hiện chủ yếu ở lĩnh vực sử dụng lao động trực tiếp, không cần trình độ tay nghề cao và việc tuyển lao động mới không khó. Sau 35-40 tuổi, sức khỏe người lao động không còn nhanh nhạy, ít khả năng tiếp thu công nghệ mới để nâng cao năng suất lao động. Trong khi đó, thời gian công tác dài tất yếu dẫn tới chi phí về tiền lương và BHXH của người lao động cao lên. Đứng trước thực tế này, không ít doanh nghiệp đã thỏa thuận chi một khoản tiền cao hơn quy định của pháp luật để người lao động tự xin nghỉ việc.
Tác động lớn đến Chính sách An sinh xã hội
     Theo kết quả điều tra của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, sau khi bị sa thải, khoảng 43,1% công nhân lao động làm công việc tự do; 17,2% làm công việc buôn bán; 15,3% về nhà làm công việc nội trợ; 13,3 % làm ruộng và hơn 11% bán hàng rong. Đối với nữ, tập trung phần lớn (82,6%) là bán hàng rong và bán nước, còn lại 12,1% làm công việc tự do…
     Việc sa thải lao động trên 35 tuổi sẽ gây ra những hệ quả nghiêm trọng với bản thân người lao động như bất ổn về tài chính, gánh nặng kinh tế cho gia đình, khó khăn trong tiếp cận các dịch vụ xã hội, đời sống tinh thần thấp, đánh mất vị thế bình đẳng trong gia đình và xã hội, mặc cảm trong giao tiếp, nguy cơ ảnh hưởng về sức khỏe cực kỳ cao.
     Phó Trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) Lê Đình Quảng cho rằng, điều này là một sự báo động đối với quyền lợi của người lao động, các chính sách An sinh xã hội và giải quyết việc làm bền vững. Những lao động này sau khi kết thúc làm việc đa số sẽ nhận BHXH một lần, khó có cơ hội tìm kiếm công việc mới ở khu vực có quan hệ lao động vì tay nghề thấp, tuổi đời đã cao. Thực tế trên buộc người lao động phải quay về khu vực không có quan hệ lao động và không tham gia vào hệ thống BHXH- Đây là sự lãng phí lớn đối với nguồn lao động của quốc gia.
     Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn cho rằng, việc sa thải công nhân lao động trên 35 tuổi đang tác động lớn đến hệ thống An sinh xã hội, đặc biệt là tình trạng nhận BHXH 1 lần, gia tăng nhận BHTN. Do đó, cần tiến hành phân tích tình trạng người lao động trên 35 tuổi nghỉ việc qua hệ thống thống kê của ngành BHXH, để từ đó có tham vấn chính sách, cũng như định hướng tuyên truyền cụ thể hơn.
     Giải pháp nào cho vấn đề?
     Theo các chuyên gia, Chính phủ cần nhìn nhận đúng đắn việc sa thải lao động trên 35 tuổi là hệ lụy không thể tránh khỏi của xu hướng thu hút đầu tư dựa vào lao động giá rẻ. Vì vậy các chính sách hỗ trợ, nếu có, nên hướng đến việc hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp hoặc quy chuẩn quy trình sa thải lao động để giảm thiểu tối đa những cú sốc với người lao động.
     Ngoài ra, Chính phủ cũng có thể khuyến khích việc đầu tư vào các ngành sử dụng lao động có tay nghề, góp phần giảm thiểu tình trạng sa thải công nhân cũng như tăng khả năng hấp thụ thêm lao động trung niên. Về phía người lao động, việc nhận thức được xu thế đang diễn ra là quan trọng. Bản thân người lao động cũng nên có sự chuẩn bị để đối phó với tình trạng sa thải trong tương lai gần, bao gồm việc nâng cao trình độ chuyên môn cũng như chuẩn bị kế hoạch nghề nghiệp rõ ràng.  Bên cạnh đó, cần đưa vào Bộ luật Lao động (sửa đổi) về xử phạt doanh nghiệp sa thải lao động trên 35 tuổi. Bên cạnh đó, phải tăng cường tuyên truyền, phổ biến chính sách về lao động, việc làm và BHTN cho người sử dụng lao động và người lao động. Mặt khác, Công đoàn cần đấu tranh với những hành vi vi phạm pháp luật hoặc lạm dụng quan hệ lao động của cả chủ doanh nghiệp và người lao động, nhằm bảo vệ lợi ích hợp pháp của người lao động; giám sát chặt các thỏa thuận, cam kết của chủ sử dụng lao động với người lao động.
     Phó Trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) Lê Đình Quảng cho rằng, về phía doanh nghiệp cần có ý thức trách nhiệm xã hội: Người lao động đã gắn bó cả thời tuổi trẻ thì doanh nghiệp nên có chính sách xã hội với lao động. Mặt khác, người lao động cũng nên có ý thức, đừng vì lợi ích trước mắt – khoản trợ cấp cao mà chấp nhận nghỉ việc.
     Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn Vũ Quang Thọ nhận định: Vấn đề này có thể để lại những hệ lụy không nhỏ, trước mắt có thể vài trăm nghìn người mất việc, nhưng về lâu dài con số này có thể lên đến hàng triệu người. Đây là tính quy luật của quá trình phát triển không đồng bộ. Chúng ta đã quá chú trọng thu hút đầu tư mà chưa đánh giá hết lao động của mình có phù hợp hoặc tương thích hay không, hoặc có tương thích nhưng 03-10 năm sau sẽ ra sao. Trong khi đó người lao động của chúng ta không hề được đào tạo thêm về tay nghề . Mặt khác, sự phát triển mạnh mẽ của Cách mạng công nghệ 4.0 dù chưa lấn lướt song sẽ sớm tràn vào Việt Nam. Lúc này lao động giá rẻ sẽ không còn thích hợp, chúng ta cũng không nên vận động lao động giá rẻ nữa mà cần chấm dứt, nếu tiếp tục chỉ gây thêm gánh nặng cho nền kinh tế và thị trường lao động. Như vậy, trong bối cảnh này người lao động phải tự nâng cao tay nghề, thậm chí là học nghề mới để thích ứng với thị trường lao động thời gian tới.
     Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn Vũ Quang Thọ kiến nghị đã đến lúc cần có cơ chế ràng buộc thậm chí đưa vào luật những thay đổi về thu hút đầu tư đối với các doanh nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam phải cam kết về thời hạn kéo dài ít nhất 30 năm để người lao động sống được bằng lương sau khi đã nghỉ việc. Nếu không sẽ đặt áp lực rất lớn lên nền kinh tế, áp lực này dồn lên thị trường lao động và từ đó nảy sinh các vấn đề xã hội khác. Tuy nhiên, trường hợp người lao động không đáp ứng được yêu cầu của guồng quay công nghiệp thì việc phải ra khỏi bộ máy sản xuất là tất yếu.
       Vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Trọng Đàm cho rằng, trước hết người lao động phải nâng cao tay nghề cũng như tăng cường ý thức kỷ luật khi chấp nhận tham gia vào thị trường lao động. Căn bản nhất vẫn là làm thế nào để người lao động đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp thì mới có thể tồn tại lâu dài được.
 
                          Tác giả - Thái Dương
                       Trích mục Kiến nghị & Giải pháp
           (Trong tạp chí Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, kỳ 02 – tháng 9/2017)

liên kết web