Hướng về cơ sở, chăm lo thiết thực cho người lao động
Đẩy mạnh các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động
Cách đây 95 năm, ngày 28/7/1929, tại Hà Nội, Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ, tiền thân của tổ chức Công đoàn Việt Nam chính thức được thành lập. Sự kiện này có ý nghĩa hết sức to lớn đối với phong trào công nhân Việt Nam. Lần đầu tiên giai cấp công nhân Việt Nam có một đoàn thể cách mạng rộng lớn, hoạt động có tôn chỉ, mục đích, phản ánh được ý chí, nguyện vọng của đông đảo công nhân lao động. Với ý nghĩa trên, Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ V (tháng 11/1983) đã thông qua nghị quyết lấy ngày 28/7/1929 - ngày thành lập Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ làm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam.
Cùng với việc tái lập tỉnh Sóc Trăng vào năm 1992, Công đoàn tỉnh Sóc Trăng cũng được thành lập và đi vào hoạt động. Từ đầu nhiệm kỳ, toàn tỉnh có 14.411 đoàn viên công đoàn sinh hoạt tại 400 công đoàn cơ sở trực thuộc, 6 LĐLĐ huyện, thị xã; 6 công đoàn ngành với 49 cán bộ công đoàn chuyên trách. Qua từng giai đoạn phát triển, tổ chức Công đoàn tỉnh đã luôn thực hiện hiệu quả vai trò đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân viên chức, lao động (CNVCLĐ).
Đồng chí Lâm Văn Mẫn - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng (thứ 3 từ phải qua) cùng đồng chí Nguyễn Thanh Sơn - Tỉnh ủy viên, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Sóc Trăng (thứ 4 từ phải qua) tặng quà cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: HẢI HÀ
Sau 32 năm tái lập tỉnh, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng bộ tỉnh, của Tổng LĐLĐ Việt Nam, các cấp công đoàn tỉnh đã có sự lớn mạnh về mọi mặt. Đến nay, toàn tỉnh có 15 LĐLĐ huyện, thị xã, thành phố, công đoàn ngành và tương đương, với hơn 64.000 đoàn viên thuộc 1.102 công đoàn cơ sở. Các phong trào thi đua yêu nước được công đoàn các cấp tập trung đổi mới nội dung, hình thức theo hướng có chất lượng, hiệu quả thiết thực. Công tác chăm lo đời sống, trong CNVCLĐ được các cấp công đoàn triển khai thường xuyên, hướng về cơ sở.
Trong nhiệm kỳ 2018 - 2023, các cấp công đoàn trong tỉnh đã hỗ trợ xây mới và sửa chữa 324 căn nhà “Mái ấm công đoàn” trị giá trên 14 tỷ đồng, vượt 29,6% so với chỉ tiêu nhiệm kỳ (vượt 74 căn). Các phong trào thi đua đã được các cấp công đoàn tích cực hưởng ứng, với nội dung phong phú, hình thức phù hợp với từng đơn vị. Qua phát động các phong trào thi đua đã có 41.098 giải pháp, sáng kiến được áp dụng trong thực tiễn, mang lại hiệu quả thiết thực; 834 công trình, sản phẩm hoàn thành với tổng trị giá trên 520 tỷ đồng, làm lợi trên 12,4 tỷ đồng. Đặc biệt là, từ năm 2023, LĐLĐ tỉnh đã phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề trước kỳ họp Quốc hội giữa đại biểu Quốc hội với công nhân lao động. Qua đó, đoàn viên, người lao động đã trực tiếp bày tỏ tâm tư, nguyện vọng và có những kiến nghị, đề xuất từ thực tế lao động, sản xuất đến lãnh đạo các cấp. Các cấp công đoàn còn chủ động tìm đối tác, đàm phán, ký kết các thỏa thuận hợp tác với các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp nhằm mang lại những lợi ích thiết thực cho người lao động.
Đồng chí Hồ Thị Cẩm Đào - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh (thứ 10 từ phải qua) và đồng chí Trần Văn Lâu - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng (thứ 11 từ phải qua) trao quà cho đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: HẢI HÀ
Tập trung thực hiện 3 khâu đột phá
Trước yêu cầu phát triển của tỉnh trong giai đoạn mới, LĐLĐ tỉnh đã và đang thay đổi phương thức tổ chức, hoạt động nhằm đáp ứng thời cơ và thách thức hiện nay. Theo đồng chí Nguyễn Thanh Sơn - Tỉnh ủy viên, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh, với phương châm “Đổi mới - Dân chủ - Đoàn kết - Phát triển” của nhiệm kỳ 2023 - 2028, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh đã chỉ đạo các cấp công đoàn tập trung triển khai thực hiện 3 khâu đột phá gồm: Tập trung thực hiện nhiệm vụ đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, CNVCLĐ, trọng tâm là thương lượng, đối thoại về tiền lương; xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn, nhất là chủ tịch công đoàn cơ sở khu vực ngoài nhà nước có trí tuệ, bản lĩnh, tâm huyết, uy tín, trách nhiệm; thực hiện chuyển đổi số trong công tác truyền thông, quản lý đoàn viên và công tác tài chính công đoàn, phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở theo chỉ tiêu Tổng LĐLĐ Việt Nam giao.
Cụ thể hơn, LĐLĐ tỉnh sẽ đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 02-NQ/TW, ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”; Nghị quyết Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam và Nghị quyết Đại hội XI Công đoàn tỉnh Sóc Trăng, nhiệm kỳ 2023 - 2028. Đồng thời sơ, tổng kết các chương trình, kế hoạch, các mô hình thi đua triển khai nhân rộng trong phong trào CNVCLĐ và hoạt động Công đoàn. LĐLĐ tỉnh cũng chọn khâu đột phá trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn, nhất là công đoàn cơ sở khu vực ngoài nhà nước giỏi về chuyên môn, thạo về kỹ năng quản lý kinh tế, kỹ năng quản trị tại doanh nghiệp, ngoại ngữ. Nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động của đoàn viên, người lao động.
Dưới sự chứng kiến của đồng chí Nguyễn Xuân Hùng - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam (đứng giữa hàng sau) và các đại biểu, lãnh đạo LĐLĐ tỉnh Sóc Trăng ký kết thỏa thuận hợp tác với các doanh nghiệp. Ảnh: HẢI HÀ
Đánh giá về hoạt động Công đoàn trong thời gian qua, đồng chí Hồ Thị Cẩm Đào - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cho biết, các cấp công đoàn trong tỉnh đã chủ động, sáng tạo, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động để thu hút, tập hợp ngày càng đông đảo CNVCLĐ. Trong tổ chức hoạt động luôn hướng về cơ sở và người lao động, kể cả khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước, chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động. Các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động được các cấp công đoàn tổ chức linh hoạt, đa dạng, hiệu quả, thiết thực, phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương.
Bằng những việc làm thiết thực và có hiệu quả, tổ chức Công đoàn Sóc Trăng ngày càng được củng cố và phát triển. Đội ngũ công nhân, lao động ngày càng xứng đáng là lực lượng nòng cốt của khối liên minh công - nông - trí thức, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần tích cực thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh. Thành tích đó còn là sự kết tinh của quá trình nỗ lực, rèn luyện liên tục của các thế hệ công nhân, lao động, các thế hệ cán bộ, đoàn viên công đoàn trong tỉnh từ ngày LĐLĐ tỉnh được thành lập đến nay.
HẢI HÀ - BÁO SÓC TRĂNG
Các tin liên quan | Ngày đăng |
---|---|
Thành lập Nghiệp đoàn bán vé số thứ 2 | 31/07/2024 |
Trao 2 Mái ấm Công đoàn cho đoàn viên khó khăn về nhà ở tại huyện Mỹ Tú | 31/07/2024 |
Trao 2 căn nhà Đại đoàn kết cho đoàn viên ở Thị xã Ngã Năm | 30/07/2024 |
Trao nhà ở cho đoàn viên ở huyện cù lao sông Hậu | 30/07/2024 |
Công đoàn huyện Long Phú chung sức xây dựng nông thôn mới | 30/07/2024 |

Cảnh báo tình trạng thu gom sổ BHXH của người lao động
Theo quy định của pháp luật hiện hành, sổ BHXH được cấp và giao cho từng NLĐ giữ để theo dõi việc đóng, hưởng các chế độ BHXH và là cơ sở để giải quyết các chế độ BHXH, BH thất nghiệp. Việc mua bán, chuyển nhượng hoặc cầm cố, thế chấp sổ BHXH là các hành vi vi phạm pháp luật.
Ông Đàm Lực Sĩ – Giám đốc BHXH tỉnh Sóc Trăng cho biết thêm về tình trạng thu gom sổ BHXH
Thời gian qua, tại Sóc Trăng hiện chưa ghi nhận trường hợp nào mua bán sổ BHXH. Tuy nhiên, vẫn có dấu hiệu của hành vi này qua việc ký hợp đồng ủy quyền giải quyết hưởng chế độ BHXH một lần, hưởng trợ cấp thất nghiệp cho người khác, năm 2019 đã có 80 trường hợp NLĐ ủy quyền cho 19 đối tượng nhận thay BHXH 1 lần với tổng số tiền trên 1 tỷ 395 triệu đồng. 4 tháng đầu năm 2020 có 08 trường hợp NLĐ ủy quyền cho 03 đối tượng nhận thay BHXH 1 lần với tổng số tiền trên 469 triệu đồng. Có thể nói, có tình trạng thu gom, mua sổ BHXH như hiện nay là quy định cho phép NLĐ được nhận BHXH một lần còn khá “thoáng”. NLĐ có thể mang sổ BHXH của mình đến bất cứ cơ quan BHXH nào trong cả nước để làm thủ tục. Do đó, các đối tượng có thể thu gom sổ BHXH, rồi mang đến các địa phương khác để làm thủ tục. Trong khi đó, nếu người nhận ủy quyền hợp pháp, tuân thủ đúng quy định về ủy quyền, thì cơ quan BHXH lại không có quyền từ chối giải quyết. Ông Đàm Lực Sĩ – Giám đốc BHXH tỉnh cho biết: Cơ quan BHXH rất mong NLĐ cân nhắc thận trọng để giữ lại tài sản này, vì nếu chuyển sổ BHXH cho người khác trước tiên sẽ ảnh hưởng không tốt đến quyền hưởng an sinh xã hội của chính bản thân NLĐ, khi phải nhận số tiền ít hơn số tiền BHXH bản thân NLĐ đáng được hưởng, trong khi đó, nếu nhận BHXH 1 lần NLĐ sẽ được hưởng 1,5 tháng lương bình quân nếu tham gia BHXH trước năm 2014 và 02 tháng lương bình quân nếu tham gia BHXH từ năm 2014 trở lại đây, đồng thời được Nhà nước điều chỉnh mức bù trượt giá theo thời gian. Trong trường hợp chưa đủ 12 tháng nghỉ việc mà NLĐ có việc làm và tiếp tục đóng BHXH thì sổ BHXH cũ sẽ không là căn cứ để giải quyết hưởng BHXH một lần, khi đó tranh chấp giữa NLĐ và người giữ sổ BHXH sẽ rất phức tạp. Việc NLĐ chuyển sổ BHXH cho người khác có thể tiếp tay cho hành vi vi phạm pháp luật và gây bất ổn trong xã hội.
Thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của BHXH Việt Nam, BHXH tỉnh Sóc Trăng đã chỉ đạo BHXH các huyện, thị xã phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng, công an, lao động, công đoàn … cơ quan báo chí tại địa phương tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền đến đông đảo NLĐ và Nhân dân về các quy định của của pháp luật về BHXH; khuyến cáo NLĐ không thực hiện mua bán sổ BHXH, ký hợp đồng ủy quyền giải quyết hưởng chế độ BHXH một lần, hưởng trợ cấp thất nghiệp cho người khác nếu không có lý do chính đáng. Để làm tốt công tác tuyên truyền cho người dân hiểu đúng, đủ về lợi ích của BHXH cũng như tránh tình trạng người tham gia BHXH thực hiện hành vi mua, bán Ông Đàm Lực Sĩ cho biết thêm: Để quản lý chặt chẽ việc quản lý sổ BHXH khi giải quyết các chế độ BHXH theo quy định của pháp luật, đảm bảo quyền lợi cho NLĐ, ngăn chặn tình trạng trên, BHXH tỉnh đã thống kê những trường hợp được ủy quyền nhận tiền trợ cấp BHXH một lần, cụ thể là những trường hợp một người được ủy quyền nhận BHXH một lần cho từ hai người trở lên, báo cáo UBND tỉnh, đồng thời có công văn gửi Bưu điện tỉnh, đề nghị Bưu điện tỉnh chỉ đạo Bưu điện các huyện, thị xã, thành phố không chi trả cho những người được ủy quyền nhận trợ cấp BHXH một lần theo danh sách do BHXH tỉnh cung cấp. Trong quá trình chi trả, nhân viên Bưu điện phải kiểm tra chặt chẽ, đầy đủ các tiêu chí, tính pháp lý của Giấy ủy quyền hoặc Hợp đồng ủy quyền. Kịp thời thông báo đến cơ quan BHXH để phối hợp giải quyết đối với những trường hợp bất thường.
Đồng thời BHXH tỉnh cũng chỉ đạo BHXH các huyện, thị xã thực hiện rà soát lại thông tin (họ tên, địa chỉ) của những đối tượng được ủy quyền nhận trợ cấp BHXH một lần phát sinh tại BHXH huyện, thị xã để đối chiếu với thông tin của đối tượng do BHXH tỉnh cung cấp. Khi tiếp nhận hồ sơ đề nghị giải quyết hưởng BHXH một lần của NLĐ, phải kiểm soát các thông tin, đối chiếu dữ liệu trên Hệ thống với thông tin trên sổ BHXH và đơn đề nghị, đảm bảo các thông tin của người hưởng phải thống nhất; kiểm tra tính pháp lý của “Giấy ủy quyền” hoặc “Hợp đồng ủy quyền”. Khi xem xét giải quyết phải kiểm tra, phải đối chiếu đảm bảo đủ điều kiện giải quyết hưởng BHXH một lần theo quy định của Luật BHXH. Khi trả kết quả giải quyết hưởng BHXH một lần phải kiểm tra, đối chiếu kỹ giấy tờ tùy thân của người nhận kết quả; đảm bảo trả hồ sơ, trả tiền đúng cho NLĐ hoặc người được ủy quyền hợp pháp. Bên cạnh đó, tiến hành thẩm tra, thống kê những trường hợp một người được ủy quyền nhận BHXH một lần cho từ hai người trở lên, kiểm soát để phát hiện dấu hiệu trục lợi từ việc thu gom, mua bán sổ BHXH. Chủ động phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể tại địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH để nâng cao nhận thức của NLĐ về quyền lợi hưởng chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước; đồng thời cảnh báo đến người dân, NLĐ để không bị lôi kéo, xúi giục bán sổ BHXH và kịp thời phát hiện, tố giác các hành vi vi phạm.
NLĐ bán sổ BHXH đồng nghĩa với việc toàn bộ quá trình đóng BHXH sẽ bị mất, phải tham gia lại từ đầu, ảnh hưởng đến việc thụ hưởng các chế độ chính sách về BHXH sau này. Do đó NLĐ tuyệt đối không thế chấp hay bán lại sổ BHXH của mình cho các đối tượng thu mua để phòng tránh những tình huống xấu có thể xảy ra. Phải coi sổ BHXH là một loại tài sản đặc biệt gắn liền với nhân thân, quyền lợi không thể tách rời của NLĐ.
Phương Anh