Thành lập Nghiệp đoàn bán vé số thứ 2
Ngày 29.7, LĐLĐ TP Sóc Trăng tổ chức Lễ ra mắt Nghiệp đoàn bán vé số Minh Long và kết nạp 22 thành viên vào tổ chức Công đoàn. Đây là Nghiệp đoàn vé số thứ 2 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Đến dự, có đồng chí Trịnh Thị Bảo Khuyên - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Sóc Trăng.
Tại buổi lễ ra mắt, Ban Thường vụ LĐLĐ TP Sóc Trăng đã chỉ định Ban chấp hành lâm thời gồm 3 thành viên, có vai trò điều hành, quản lý hoạt động nghiệp đoàn, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên trong sinh hoạt, hành nghề vé số có tổ chức, nội quy, quy định.
LĐLĐ TP Sóc Trăng thành lập Nghiệp đoàn bán vé số.
Dịp này, Công ty Xổ số Kiến thiết tỉnh Sóc Trăng đã trao 22 phần quà nhằm tạo niềm vui, khuyến khích cho đoàn viên khi tham gia vào tổ chức Công đoàn.
Trước đó, LĐLĐ huyện Trần Đề cũng đã thành lập Nghiệp đoàn bán vé số Trần Đề và kết nạp 22 thành viên vào tổ chức Công đoàn.
PHƯƠNG ANH
Sóc Trăng có 135 doanh nghiệp thực hiện bữa ăn ca cho người lao động
Theo đó, 135 doanh nghiệp hỗ trợ bữa ăn cho người lao động từ 18.000 đồng/suất trở lên với nhiều hình thức khác nhau (nấu ăn tại doanh nghiệp, thuê nhà cung cấp bữa ăn ca, phát tiền, hỗ trợ bữa ăn ca qua kỳ lương…).
Theo bà Thái Lệ Quân - Chủ tịch CĐCS Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tuntex Sóc Trăng - mỗi suất ăn ca hằng ngày của NLĐ tại công ty là 22.000 đồng. Công ty có thêm 2 suất ăn tăng cường/tháng, trị giá là 32.000 đồng/suất (trong đó có một suất ăn do đơn vị cung cấp thức ăn hỗ trợ). Đối với bữa ăn này thì khẩu phần ăn có thêm cánh gà, sữa tươi, trái cây.
Sóc Trăng hiện có 135 doanh nghiệp hỗ trợ bữa ăn ca cho người lao động
Ông Phan Tấn Phong - Chủ tịch Công đoàn Các khu công nghiệp tỉnh Sóc Trăng - cho biết, hiện nay có 30 CĐCS trực thuộc phối hợp với doanh nghiệp thực hiện bữa ăn ca cho NLĐ, mỗi suất ăn có giá trị từ 18.000 - 25.000 đồng/người/ngày. Ngoài ra, vào những ngày lễ, Tết, ngày thành lập Công đoàn Việt Nam, Tháng Công nhân thì khẩu phần ăn của công nhân trong từng doanh nghiệp cũng được nâng cao chất lượng.
Trong các dịp lễ, Tết, ngày kỷ niệm thành lập Công đoàn Việt Nam, lãnh đạo LĐLĐ tỉnh đã chủ động đến một số công ty, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nắm tình hình, giám sát thực hiện chất lượng bữa ăn ca cho NLĐ để đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm.
Lãnh đạo LĐLĐ tỉnh Sóc Trăng thăm hỏi, ghi nhận về suất ăn ca của người lao động
Ngoài ra phối hợp với Sở Y tế, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh phối hợp với các địa phương, cơ quan liên quan tuyên truyền, vận động doanh nghiệp, đơn vị cung cấp thức ăn chú trọng chất lượng bữa ăn cho người lao động đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; phòng chống ngộ độc thực phẩm tại bữa ăn tập thể cho người lao động; tăng cường thanh tra, kiểm tra bếp ăn tập thể nhằm phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm.
PHƯƠNG ANH

Tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội - Hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó
Thực hiện Chỉ thị số 11 Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID-19, Bảo hiểm xã hội tỉnh kịp thời đề xuất và triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, tất cả các trường học trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đều đóng cửa, trong đó khối mầm non tư thục gặp nhiều khó khăn vì mọi nguồn thu đều trông chờ vào học phí của các em học sinh. Điển hình như Cơ sở mẫu giáo Thùy Dương ở Phường 3 - TP. Sóc Trăng. Bắt đầu hoạt động từ tháng 8/2019, đến nay cơ sở mầm này vẫn đang trong quá trình xây dựng và phát triển. Lượng trẻ theo học chưa nhiều, theo chủ cơ sở, doanh thu những tháng qua chưa đủ để bù đắp cho chi phí hoạt động. Kể từ khi dịch Covid – 19 bùng phát, cơ sở phải đóng cửa. Không hoạt động, cũng có nghĩa không có nguồn thu nào. Trong khi đó, mỗi tháng vẫn phải đóng BHXH cho 7 nhân sự là trên 7 triệu đồng, chưa tính đến tiền điện nước, wifi, thuế và một số khoản chi khác. Do ảnh hưởng của dịch Covid -19 nên cơ sở gặp nhiều khó khăn, hầu như mọi nguồn thu đều không còn nữa mà mỗi tháng phải chi trả rất nhiều khoản tiền từ đó ảnh hưởng đến đời sống của nhân viên làm việc tại đây. Cơ sở cũng đã thỏa thuận với các giáo viên là tạm thời nghỉ việc không lương, đến khi nào hết dịch thì vào làm trở lại anh Nguyễn Quang Thành – chủ cơ sở mẫu giáo Thùy Dương cho biết.
Không chỉ các cơ sở, trường tư thục mà các doanh nghiệp thuộc các ngành nghề dịch vụ du lịch, vận tải hành khách, du lịch, lưu trú, nhà hàng cũng đều ảnh hưởng do dịch Covid – 19. Như công ty du lịch Viettravel – chi nhánh Sóc Trăng đã bắt tay vào thống kê thiệt hại do dịch. Khoảng 20 triệu là chi phí đóng BHXH mỗi tháng cho 5 nhân viên của công ty. Anh Mai Quang Thuận – Trưởng chi nhánh Viettravel – chi nhánh Sóc Trăng So với cùng kỳ năm 2019 thì doanh thu quý 1 năm nay giảm từ 50 -70%, mặc dù sụt giảm về doanh thu, chi nhánh cũng đã đóng cửa nhưng công ty vẫn cố gắng chi trả lương cho nhân viên từ tháng 1, tháng 2. Tuy nhiên, tình hình như hiện nay công ty cũng đã thõa thuận với nhân viên là tạm thời nghỉ việc không lương và hỗ trợ một phần chi phí cho các nhân sự phải nghỉ việc.
Theo thống kê của BHXH tỉnh, tính đến ngày 29/3/2020, tổng nợ BHXH, BHYT, BHTN ước khoảng 62,41 tỷ đồng, trong đó: nợ BHXH: 56,03 tỷ đồng. Một trong những nguyên nhân khách quan là do ảnh hưởng của dịch COVID-19 gây khó khăn đến hoạt động sản xuất và doanh thu của các doanh nghiệp. Hiện nay, tỷ lệ đóng vào các quỹ BHXH bao gồm: ốm đau, thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, hưu trí và tử tuất, BHYT và bảo hiểm thất nghiệp là 32% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng. Trong đó, đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất chiếm tỷ trọng lớn với tỷ lệ là 22% trên 2/3 tổng số tiền đóng vào các quỹ. Như vậy, thực hiện chỉ đạo kịp thời của Thủ tướng Chính phủ, việc BHXH Việt Nam ban hành và tổ chức thực hiện tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất sẽ có tác động không nhỏ tới doanh nghiệp và đời sống của người lao động trong điều kiện dịch Covid-19 còn đang diễn biến phức tạp.
Ông Trần Văn Khải - Phó Giám đốc BHXH tỉnh trả lời phỏng vấn
Ông Trần Văn Khải – Phó Giám đốc BHXH tỉnh Sóc Trăng cho biết: thực hiện Chỉ thị số 11 của Thủ tướng Chính phủ, Công văn số 860 của BHXH Việt Nam hướng dẫn BHXH các địa phương thực hiện tạm dừng đóng BHXH vào quỹ hưu trí, tử tuất đối với DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Để thực hiện nội dung này BHXH tỉnh đã phối hợp với Sở Tài chính, Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo có công văn phối hợp hướng dẫn các công ty, đơn vị và doanh nghiệp về việc tạm dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất. Điều kiện đối với các công ty, đơn vị, doanh nghiệp thuộc diện tạm dừng đóng BHXH vào quỹ hưu trí và tử tuất theo quy định của BHXH Việt Nam là: Gặp khó khăn do dịch bệnh gây ra dẫn đến không bố trí được việc làm cho người lao động, trong đó, số lao động thuộc diện tham gia BHXH phải tạm thời nghỉ việc từ 50% tổng số lao động có mặt trước khi tạm dừng sản xuất, kinh doanh trở lên; hoặc bị thiệt hại trên 50% tổng giá trị tài sản do dịch bệnh gây ra.
Trong thời gian tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, BHXH tỉnh sẽ không thực hiện thanh tra chuyên ngành đóng hoặc kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19 gây ra, nếu doanh nghiệp không có dấu hiệu vi phạm. Đồng thời, hàng tháng BHXH tỉnh sẽ đôn đốc doanh nghiệp đóng đầy đủ, kịp thời vào quỹ ốm đau, thai sản, quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, quỹ BHYT và bảo hiểm thất nghiệp để đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Trong trường hợp đến hết tháng 6-2020 mà Covid-19 vẫn chưa thuyên giảm, nếu doanh nghiệp, đơn vị có đề nghị, thì BHXH tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với sở, ngành có liên quan báo cáo UBND tỉnh kiến nghị BHXH Việt Nam xem xét, giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đến tháng 12-2020.
Với các giải pháp như trên, việc tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất sẽ có tác động hỗ trợ không nhỏ tới các doanh nghiệp và đời sống của người lao động trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, góp phần vào việc chung tay thực hiện nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ đã giao là vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh, an toàn đời sống và sức khỏe của nhân dân; góp phần duy trì, ổn định, cải thiện hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Phương Anh