Ra mắt nghiệp đoàn vé số và họp mặt cán bộ công đoàn
Dự lễ có các đồng chí: Nguyễn Thanh Sơn - Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh; Huỳnh Thị Diễm Ngọc - Tỉnh ủy viên, Bí thư Thị ủy Ngã Năm; lãnh đạo Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên sổ xố kiến thiết Sóc Trăng và các đơn vị liên quan.
Tại buổi lễ, đại diện Liên đoàn Lao động thị xã Ngã Năm đã công bố quyết định chuẩn y kết nạp 15 người lao động làm nghề bán vé số tại thị xã Ngã Năm vào tổ chức công đoàn. Đồng thời công bố quyết định thành lập Nghiệp đoàn vé số Phường 1, công bố quyết định công nhận Ban Chấp hành lâm thời Nghiệp đoàn vé số Phường 1 gồm 3 đồng chí. Bà Nguyễn Thị Nương được chỉ định là chủ tịch nghiệp đoàn, tổng số đoàn viên của nghiệp đoàn là 15 người.
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Lâm Văn Tùng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thị xã Ngã Năm mong muốn các thành viên trong nghiệp đoàn nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, bám sát sự chỉ đạo, hướng dẫn của công đoàn cấp trên để nghiệp đoàn hoạt động hiệu quả. Đồng thời mong muốn Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên sổ xố kiến thiết Sóc Trăng có chế độ tăng chi hoa hồng cho người bán vé số dạo cũng như trích một phần lợi nhuận để hỗ trợ mua bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội để người bán vé số an tâm trong cuộc sống.
Các đồng chí lãnh đạo tặng quà và chụp ảnh lưu niệm với các thành viên Nghiệp đoàn vé số Phường 1. Ảnh: TRƯỜNG KHOA
Nghiệp đoàn vé số Phường 1 là nghiệp đoàn cơ sở có đoàn viên là lao động khu vực phi chính thức thuộc Liên đoàn Lao động thị xã Ngã Năm. Nghiệp đoàn tập hợp người bán vé số vào một tổ chức thích hợp với ngành nghề để tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, hỗ trợ vốn, kiến thức giúp người lao động ổn định cuộc sống. Tổ chức công đoàn cũng sẽ có những hoạt động chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp. Đồng thời là cầu nối để có những đề xuất với doanh nghiệp xem xét, hỗ trợ kịp thời cho người lao động.
* Sáng cùng ngày, Liên đoàn Lao động thị xã Ngã Năm tổ chức Họp mặt cán bộ công đoàn và Hội thao công chức, viên chức và người lao động thị xã Ngã Năm năm 2024.
Tại buổi họp mặt, các đại biểu đã cùng ôn lại truyền thống của Công đoàn Việt Nam nói chung, phong trào công nhân lao động và hoạt động công đoàn địa phương nói riêng. Qua đó, khẳng định rõ vai trò, vị trí của tổ chức công đoàn trong hệ thống chính trị và đời sống tinh thần của công nhân, viên chức, lao động. Phát huy truyền thống vẻ vang của tổ chức Công đoàn, Liên đoàn Lao động thị xã Ngã Năm luôn nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, khẳng định vai trò là chỗ dựa vững chắc cho đoàn viên, người lao động.
Tham gia hội thao lần này có 11 đoàn với 250 vận động viên là cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thị xã Ngã Năm. Các vận động viên tranh tài ở các môn thi đấu: đá bóng vào khung; chuyền chanh; đập niêu đất; quần vợt.
Hội thao nhằm hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, góp phần tăng cường sức khỏe để công tác, phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay. Qua đó cũng thể hiện sự chăm lo của các cấp, các ngành và toàn xã hội đối với đoàn viên, người lao động, tạo môi trường cho công nhân, viên chức, lao động được học tập, giao lưu thể thao và trao đổi kinh nghiệm.
Các vận động viên tham gia môn bịt mắt đập niêu. Ảnh: TRƯỜNG KHOA
Hội thao và thành lập nghiệp đoàn dịp này nằm trong chuỗi hoạt động do Liên đoàn Lao động thị xã Ngã Năm triển khai chào mừng Kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2024).
HẢI HÀ - TRƯỜNG KHOA
Trao nhà Đại Đoàn kết cho đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở tại huyện Thạnh Trị.
Gia đình đoàn viên Dương Thị Tha có hoàn cảnh khó khăn, sống trong căn nhà tạm bợ, thu nhập hàng tháng của chị gần 03 triệu đồng.
Được LĐLĐ tỉnh Sóc Trăng hỗ trợ 50 triệu đồng từ nguồn Quỹ Vì người nghèo của tỉnh, chị Tha xây dựng nhà mới với diện tích 54m2, vách xây tường, mái nhà lợp tôn thiết, nền lót gạch men khang trang.
Lãnh đạo LĐLĐ tỉnh Sóc Trăng, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh bàn giao nhà Đại đoàn kết cho đoàn viên Dương Thị Tha.
"Có được căn nhà kiên cố, che mưa, giúp tôi yên tâm lao động, tôi thật sự rất vui mừng và cảm động. Tôi xin cảm ơn các cấp lãnh đạo đã quan tâm, xét chọn và hỗ trợ cho tôi trong suốt thời gian qua", chị Tha xúc động nói.
Phát biểu tại buổi bàn giao, đồng chí Lê Văn Phải – Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Sóc Trăng chúc mừng và động viên tinh thần gia đình đoàn viên Dương Thị Tha khi có ngôi nhà mới; đồng thời, chỉ đạo LĐLĐ huyện Thạnh Trị quan tâm tuyên truyền vận động đoàn viên, các CĐCS thực hiện có hiệu quả chương trình Mái ấm công đoàn, kịp thời xem xét, đề nghị về tỉnh hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn, bức xúc về nhà ở, góp phần cùng cấp ủy, chính quyền, MTTQ giải quyết tốt việc hỗ trợ cất nhà ở cho người dân nghèo, khó khăn, mong muốn gia đình ổn định cuộc sống, lao động sản xuất tốt.
LĐLĐ huyện Thạnh Trị

Đề xuất nghề giáo viên mầm non là nặng nhọc
“Chả nhẽ để trẻ hát cô là… bà”
Góp ý về dự thảo Nghị định quy định tuổi nghỉ hưu và điều kiện hưởng lương hưu mới đây, ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN) - đề xuất xếp giáo viên mầm non vào nhóm nghề nặng nhọc, nên nghỉ hưu sớm ở tuổi 55 hoặc sớm hơn.
Ông Hiểu phân tích, giáo viên mầm non phải đến sớm đón trẻ và kết thúc công việc muộn, số giờ làm việc thường vượt quá quy định. Giáo viên mầm non không chỉ dạy mà còn dỗ, múa, hát, áp lực công việc lớn.
Từng đi thực tế ở quận Tân Bình (TPHCM), Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN cho biết, có giáo viên 46 tuổi đứng lên nói “không biết lúc tôi 50 tuổi, các cháu còn muốn nghe cô múa hát nữa không”.
Theo khảo sát, 96% giáo viên mầm non muốn được về hưu ở tuổi 55. Ảnh: Huyên nguyễn
Còn ông Nguyễn Ngọc Ân - Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam - cho rằng, từ 55 tuổi trở lên, giáo viên mầm non bị hạn chế khi thực hiện các thao tác chuyên môn như múa, hát, hướng dẫn hoạt động thể lực, chạy, nhảy cho học sinh. Chương trình giáo dục mầm non không chỉ bó hẹp ở chăm trẻ, còn phải đáp ứng được yêu cầu của nhiều chương trình chuẩn quốc tế cũng trở thành thách thức với các cô giáo cao tuổi.
Hiện nay, thực tế giờ làm việc của giáo viên mầm non khoảng 10 tiếng mỗi ngày. “Các cô phải đến trường lúc 6h sáng và 6h tối mới trở về. Cường độ làm việc cao, sức ép từ sự giữ an toàn cho trẻ căng thẳng kéo dài làm cho sức khỏe giảm sút nhanh, nghiêm trọng theo thời gian” - ông Ân nói.
Một thực tế được bà Cù Thị Thủy - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) - chia sẻ: “Trước đây, chúng ta hay nghe câu hát “cô là mẹ và các cháu là con”, thì tới đây nếu nghỉ hưu ở tuổi cao, cô sẽ là... bà và các cháu là con.
Bà Thuỷ nói rằng, giáo viên mầm non là ngành giáo dục đặc biệt, để nói là nặng nhọc, độc hại thì cần phải tính toán, nhưng 1 lớp có 30 cháu thì tiếng ồn của trẻ cũng rất cao. Đòi hỏi của phụ huynh, của trẻ là những áp lực rất lớn đối với giáo viên.
Theo quy định của Bộ luật Lao động, tuổi nghỉ hưu sẽ được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi với nam vào năm 2028 và đủ 60 với nữ vào năm 2035. Tuy nhiên, người lao động (NLĐ) nặng nhọc, độc hại ở vùng đặc biệt khó khăn hay trong điều kiện đặc biệt độc hại, nặng nhọc được quyền nghỉ hưu sớm hơn không quá 5 năm. Như vậy, nếu được bổ sung vào danh mục này, giáo viên mầm non có thể nghỉ hưu ở tuổi 57 với nam và 55 đối với nữ.
Giáo viên mầm non đang gặp nhiều áp lực
Chia sẻ khó khăn áp lực của giáo viên trong một hội nghị đánh giá thời gian làm việc, chính sách đối với giáo viên, nhân viên cấp mầm non, bà Trần Thị Tố Uyên - Trưởng phòng Giáo dục Mầm non, Sở GDĐT tỉnh Điện Biên - cho biết: Hiện nay, tỉ lệ bình quân giáo viên/lớp của tỉnh khá thấp so với các tỉnh lân cận. Điều đó dẫn tới áp lực công việc cao và quá tải về cường độ lao động cho giáo viên, nhân viên ở một số trường, đặc biệt là ở vùng khó khăn.
Cùng chung khó khăn trên, bà Trần Thị Thúy - Trưởng phòng Giáo dục Mầm non, Sở GDĐT tỉnh Thái Nguyên - chia sẻ: Tỉnh Thái Nguyên đã có quy định các trường phân công 1 giáo viên trực đón trẻ sớm và được về sớm, 1 giáo viên đến trường muộn hơn và trả trẻ muộn để thời gian làm việc đủ 8 tiếng/ngày. Tuy nhiên, trên thực tế, khá nhiều trường mầm non không thực hiện được.
“Vì số trẻ đông, quá tải trẻ/lớp, nếu để 1 giáo viên trực không đảm bảo an toàn cho trẻ nên 2 giáo viên phải cùng nhau làm việc, dẫn đến tình trạng vượt giờ so với quy định bình quân khoảng 1,5 đến 2 giờ/ngày. Ngoài ra, các trường mầm non thường phải tổ chức các hoạt động sinh hoạt chuyên môn cho giáo viên vào ngoài giờ nên thực tế số giờ vượt so với quy định còn cao hơn nữa” - bà Thuý cho hay.
Còn Trưởng phòng Giáo dục Mầm non, Sở GDĐT Tuyên Quang Vũ Văn Dũng nhấn mạnh: “Số giờ làm việc thực tế của giáo viên mầm non tại các cơ sở giáo dục, đặc biệt vùng dân tộc thiểu số và vùng đặc biệt khó khăn vượt quá nhiều so với quy định (làm việc từ 9 đến 10 giờ/ngày) nhưng cũng chưa được tính thêm làm ngoài giờ”.
Chia sẻ về áp lực của giáo viên mầm non và đề xuất của Tổng LĐLĐVN, GS Phạm Minh Hạc - nguyên Bộ trưởng Bộ GDĐT - rất đồng tình. Theo GS Hạc, những khó khăn với giáo viên mầm non là điều nhìn thấy rõ mà lâu nay chúng ta chưa giải quyết được. Nếu tăng thêm tuổi lao động sẽ như tăng thêm gánh nặng cho đội ngũ này. Không chỉ riêng quy định về tuổi lao động, nguyên bộ trưởng còn đề xuất phải xem xét thêm cả về chế độ tiền lương, thu nhập đối với giáo viên mầm non sao cho xứng đáng với công sức.
Còn bà Trịnh Thanh Hằng - Uỷ viên Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, Trưởng ban Nữ công Tổng Liên đoàn - cho rằng, nên quy định theo hướng trao “quyền” cho NLĐ. “Về quy định nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nên quy định theo hướng trao “quyền” cho NLĐ. Nghĩa là nếu họ có nguyện vọng tiếp tục làm việc và sức khỏe vẫn đảm bảo, đơn vị có nhu cầu thì có thể tiếp tục làm việc đến tuổi nghỉ hưu như NLĐ trong điều kiện bình thường” - bà Hằng nói.
96% giáo viên mầm non muốn về hưu ở tuổi 55
Ông Nguyễn Ngọc Ân - Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam - dẫn khảo sát nhanh trên gần 10.700 giáo viên mầm non trong một tuần, 96% giáo viên đề nghị giữ nguyên tuổi nghỉ hưu như cũ.
HUYÊN NGUYỄN
Nguồn:https://laodong.vn/cong-doan/de-xuat-nghe-giao-vien-mam-non-la-nang-nhoc-813579.ldo