Ra mắt nghiệp đoàn vé số và họp mặt cán bộ công đoàn
Dự lễ có các đồng chí: Nguyễn Thanh Sơn - Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh; Huỳnh Thị Diễm Ngọc - Tỉnh ủy viên, Bí thư Thị ủy Ngã Năm; lãnh đạo Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên sổ xố kiến thiết Sóc Trăng và các đơn vị liên quan.
Tại buổi lễ, đại diện Liên đoàn Lao động thị xã Ngã Năm đã công bố quyết định chuẩn y kết nạp 15 người lao động làm nghề bán vé số tại thị xã Ngã Năm vào tổ chức công đoàn. Đồng thời công bố quyết định thành lập Nghiệp đoàn vé số Phường 1, công bố quyết định công nhận Ban Chấp hành lâm thời Nghiệp đoàn vé số Phường 1 gồm 3 đồng chí. Bà Nguyễn Thị Nương được chỉ định là chủ tịch nghiệp đoàn, tổng số đoàn viên của nghiệp đoàn là 15 người.
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Lâm Văn Tùng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thị xã Ngã Năm mong muốn các thành viên trong nghiệp đoàn nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, bám sát sự chỉ đạo, hướng dẫn của công đoàn cấp trên để nghiệp đoàn hoạt động hiệu quả. Đồng thời mong muốn Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên sổ xố kiến thiết Sóc Trăng có chế độ tăng chi hoa hồng cho người bán vé số dạo cũng như trích một phần lợi nhuận để hỗ trợ mua bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội để người bán vé số an tâm trong cuộc sống.
Các đồng chí lãnh đạo tặng quà và chụp ảnh lưu niệm với các thành viên Nghiệp đoàn vé số Phường 1. Ảnh: TRƯỜNG KHOA
Nghiệp đoàn vé số Phường 1 là nghiệp đoàn cơ sở có đoàn viên là lao động khu vực phi chính thức thuộc Liên đoàn Lao động thị xã Ngã Năm. Nghiệp đoàn tập hợp người bán vé số vào một tổ chức thích hợp với ngành nghề để tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, hỗ trợ vốn, kiến thức giúp người lao động ổn định cuộc sống. Tổ chức công đoàn cũng sẽ có những hoạt động chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp. Đồng thời là cầu nối để có những đề xuất với doanh nghiệp xem xét, hỗ trợ kịp thời cho người lao động.
* Sáng cùng ngày, Liên đoàn Lao động thị xã Ngã Năm tổ chức Họp mặt cán bộ công đoàn và Hội thao công chức, viên chức và người lao động thị xã Ngã Năm năm 2024.
Tại buổi họp mặt, các đại biểu đã cùng ôn lại truyền thống của Công đoàn Việt Nam nói chung, phong trào công nhân lao động và hoạt động công đoàn địa phương nói riêng. Qua đó, khẳng định rõ vai trò, vị trí của tổ chức công đoàn trong hệ thống chính trị và đời sống tinh thần của công nhân, viên chức, lao động. Phát huy truyền thống vẻ vang của tổ chức Công đoàn, Liên đoàn Lao động thị xã Ngã Năm luôn nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, khẳng định vai trò là chỗ dựa vững chắc cho đoàn viên, người lao động.
Tham gia hội thao lần này có 11 đoàn với 250 vận động viên là cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thị xã Ngã Năm. Các vận động viên tranh tài ở các môn thi đấu: đá bóng vào khung; chuyền chanh; đập niêu đất; quần vợt.
Hội thao nhằm hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, góp phần tăng cường sức khỏe để công tác, phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay. Qua đó cũng thể hiện sự chăm lo của các cấp, các ngành và toàn xã hội đối với đoàn viên, người lao động, tạo môi trường cho công nhân, viên chức, lao động được học tập, giao lưu thể thao và trao đổi kinh nghiệm.
Các vận động viên tham gia môn bịt mắt đập niêu. Ảnh: TRƯỜNG KHOA
Hội thao và thành lập nghiệp đoàn dịp này nằm trong chuỗi hoạt động do Liên đoàn Lao động thị xã Ngã Năm triển khai chào mừng Kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2024).
HẢI HÀ - TRƯỜNG KHOA
Hướng về cơ sở, chăm lo thiết thực cho người lao động
Đẩy mạnh các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động
Cách đây 95 năm, ngày 28/7/1929, tại Hà Nội, Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ, tiền thân của tổ chức Công đoàn Việt Nam chính thức được thành lập. Sự kiện này có ý nghĩa hết sức to lớn đối với phong trào công nhân Việt Nam. Lần đầu tiên giai cấp công nhân Việt Nam có một đoàn thể cách mạng rộng lớn, hoạt động có tôn chỉ, mục đích, phản ánh được ý chí, nguyện vọng của đông đảo công nhân lao động. Với ý nghĩa trên, Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ V (tháng 11/1983) đã thông qua nghị quyết lấy ngày 28/7/1929 - ngày thành lập Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ làm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam.
Cùng với việc tái lập tỉnh Sóc Trăng vào năm 1992, Công đoàn tỉnh Sóc Trăng cũng được thành lập và đi vào hoạt động. Từ đầu nhiệm kỳ, toàn tỉnh có 14.411 đoàn viên công đoàn sinh hoạt tại 400 công đoàn cơ sở trực thuộc, 6 LĐLĐ huyện, thị xã; 6 công đoàn ngành với 49 cán bộ công đoàn chuyên trách. Qua từng giai đoạn phát triển, tổ chức Công đoàn tỉnh đã luôn thực hiện hiệu quả vai trò đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân viên chức, lao động (CNVCLĐ).
Đồng chí Lâm Văn Mẫn - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng (thứ 3 từ phải qua) cùng đồng chí Nguyễn Thanh Sơn - Tỉnh ủy viên, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Sóc Trăng (thứ 4 từ phải qua) tặng quà cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: HẢI HÀ
Sau 32 năm tái lập tỉnh, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng bộ tỉnh, của Tổng LĐLĐ Việt Nam, các cấp công đoàn tỉnh đã có sự lớn mạnh về mọi mặt. Đến nay, toàn tỉnh có 15 LĐLĐ huyện, thị xã, thành phố, công đoàn ngành và tương đương, với hơn 64.000 đoàn viên thuộc 1.102 công đoàn cơ sở. Các phong trào thi đua yêu nước được công đoàn các cấp tập trung đổi mới nội dung, hình thức theo hướng có chất lượng, hiệu quả thiết thực. Công tác chăm lo đời sống, trong CNVCLĐ được các cấp công đoàn triển khai thường xuyên, hướng về cơ sở.
Trong nhiệm kỳ 2018 - 2023, các cấp công đoàn trong tỉnh đã hỗ trợ xây mới và sửa chữa 324 căn nhà “Mái ấm công đoàn” trị giá trên 14 tỷ đồng, vượt 29,6% so với chỉ tiêu nhiệm kỳ (vượt 74 căn). Các phong trào thi đua đã được các cấp công đoàn tích cực hưởng ứng, với nội dung phong phú, hình thức phù hợp với từng đơn vị. Qua phát động các phong trào thi đua đã có 41.098 giải pháp, sáng kiến được áp dụng trong thực tiễn, mang lại hiệu quả thiết thực; 834 công trình, sản phẩm hoàn thành với tổng trị giá trên 520 tỷ đồng, làm lợi trên 12,4 tỷ đồng. Đặc biệt là, từ năm 2023, LĐLĐ tỉnh đã phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề trước kỳ họp Quốc hội giữa đại biểu Quốc hội với công nhân lao động. Qua đó, đoàn viên, người lao động đã trực tiếp bày tỏ tâm tư, nguyện vọng và có những kiến nghị, đề xuất từ thực tế lao động, sản xuất đến lãnh đạo các cấp. Các cấp công đoàn còn chủ động tìm đối tác, đàm phán, ký kết các thỏa thuận hợp tác với các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp nhằm mang lại những lợi ích thiết thực cho người lao động.
Đồng chí Hồ Thị Cẩm Đào - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh (thứ 10 từ phải qua) và đồng chí Trần Văn Lâu - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng (thứ 11 từ phải qua) trao quà cho đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: HẢI HÀ
Tập trung thực hiện 3 khâu đột phá
Trước yêu cầu phát triển của tỉnh trong giai đoạn mới, LĐLĐ tỉnh đã và đang thay đổi phương thức tổ chức, hoạt động nhằm đáp ứng thời cơ và thách thức hiện nay. Theo đồng chí Nguyễn Thanh Sơn - Tỉnh ủy viên, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh, với phương châm “Đổi mới - Dân chủ - Đoàn kết - Phát triển” của nhiệm kỳ 2023 - 2028, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh đã chỉ đạo các cấp công đoàn tập trung triển khai thực hiện 3 khâu đột phá gồm: Tập trung thực hiện nhiệm vụ đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, CNVCLĐ, trọng tâm là thương lượng, đối thoại về tiền lương; xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn, nhất là chủ tịch công đoàn cơ sở khu vực ngoài nhà nước có trí tuệ, bản lĩnh, tâm huyết, uy tín, trách nhiệm; thực hiện chuyển đổi số trong công tác truyền thông, quản lý đoàn viên và công tác tài chính công đoàn, phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở theo chỉ tiêu Tổng LĐLĐ Việt Nam giao.
Cụ thể hơn, LĐLĐ tỉnh sẽ đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 02-NQ/TW, ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”; Nghị quyết Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam và Nghị quyết Đại hội XI Công đoàn tỉnh Sóc Trăng, nhiệm kỳ 2023 - 2028. Đồng thời sơ, tổng kết các chương trình, kế hoạch, các mô hình thi đua triển khai nhân rộng trong phong trào CNVCLĐ và hoạt động Công đoàn. LĐLĐ tỉnh cũng chọn khâu đột phá trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn, nhất là công đoàn cơ sở khu vực ngoài nhà nước giỏi về chuyên môn, thạo về kỹ năng quản lý kinh tế, kỹ năng quản trị tại doanh nghiệp, ngoại ngữ. Nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động của đoàn viên, người lao động.
Dưới sự chứng kiến của đồng chí Nguyễn Xuân Hùng - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam (đứng giữa hàng sau) và các đại biểu, lãnh đạo LĐLĐ tỉnh Sóc Trăng ký kết thỏa thuận hợp tác với các doanh nghiệp. Ảnh: HẢI HÀ
Đánh giá về hoạt động Công đoàn trong thời gian qua, đồng chí Hồ Thị Cẩm Đào - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cho biết, các cấp công đoàn trong tỉnh đã chủ động, sáng tạo, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động để thu hút, tập hợp ngày càng đông đảo CNVCLĐ. Trong tổ chức hoạt động luôn hướng về cơ sở và người lao động, kể cả khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước, chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động. Các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động được các cấp công đoàn tổ chức linh hoạt, đa dạng, hiệu quả, thiết thực, phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương.
Bằng những việc làm thiết thực và có hiệu quả, tổ chức Công đoàn Sóc Trăng ngày càng được củng cố và phát triển. Đội ngũ công nhân, lao động ngày càng xứng đáng là lực lượng nòng cốt của khối liên minh công - nông - trí thức, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần tích cực thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh. Thành tích đó còn là sự kết tinh của quá trình nỗ lực, rèn luyện liên tục của các thế hệ công nhân, lao động, các thế hệ cán bộ, đoàn viên công đoàn trong tỉnh từ ngày LĐLĐ tỉnh được thành lập đến nay.
HẢI HÀ - BÁO SÓC TRĂNG

Điểm mới về tiền lương, thưởng mà NLĐ cần phải biết
1. Người sử dụng lao động (NSDLĐ) không được ép người lao động (NLĐ) dùng lương mua hàng hóa, dịch vụ của mình/đơn vị khác (Khoản 2 Điều 94)
NSDLĐ phải trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn cho NLĐ. Trường hợp NLĐ không thể nhận lương trực tiếp thì NSDLĐ có thể trả lương cho người được NLĐ ủy quyền hợp pháp.
NSDLĐ không được:
- Hạn chế hoặc can thiệp vào quyền tự quyết chi tiêu lương của NLĐ.
- Ép buộc NLĐ chi tiêu lương vào việc mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ của NSDLĐ hoặc của đơn vị khác mà NSDLĐ chỉ định.
2. NSDLĐ phải thông báo bảng kê trả lương cho NLĐ vào mỗi lần trả lương (Điều 95)
NSDLĐ trả lương cho NLĐ căn cứ vào tiền lương đã thỏa thuận, năng suất lao động và chất lượng thực hiện công việc.
Mỗi lần trả lương, NSDLĐ phải thông báo bảng kê trả lương cho NLĐ, trong đó ghi rõ các nội dung sau đây:
- Tiền lương
- Tiền lương làm thêm giờ
- Tiền lương làm việc vào ban đêm
- Nội dung và số tiền bị khấu trừ (nếu có)
3. Điểm mới về lãi suất khi tính tiền đền bù do chậm trả lương cho NLĐ (Điều 94)
Về nguyên tắc, NSDLĐ phải trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn cho NLĐ. Trường hợp NLĐ không thể nhận lương trực tiếp thì NSDLĐ có thể trả lương cho người được NLĐ ủy quyền hợp pháp.
Tuy nhiên, trường hợp vì lý do bất khả kháng mà NSDLĐ đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng hạn thì không được chậm quá 30 ngày
Nếu trả lương chậm từ 15 ngày trở lên thì NSDLĐ phải đền bù cho NLĐ một khoản tiền ít nhất bằng số tiền lãi của số tiền trả chậm tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng do ngân hàng nơi NSDLĐ mở tài khoản trả lương cho NLĐ công bố tại thời điểm trả lương.
4. NSDLĐ phải chịu chi phí mở tài khoản cho NLĐ nếu trả lương qua ngân hàng (Điều 96)
NSDLĐ và NLĐ thỏa thuận về hình thức trả lương theo thời gian, sản phẩm hoặc khoán. Lương được trả bằng tiền mặt hoặc trả qua tài khoản cá nhân của NLĐ được mở tại ngân hàng.
Trường hợp trả lương qua tài khoản cá nhân của NLĐ được mở tại ngân hàng thì NSDLĐ phải trả các loại phí liên quan đến việc mở tài khoản và chuyển tiền lương.
5. Tiền lương ngừng việc khi NLĐ phải ngừng việc vì sự cố về điện, nước mà không do lỗi của NSDLĐ hoặc do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa, di dời địa điểm hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc vì lý do kinh tế
Theo Khoản 3 Điều 99 BLLĐ 2019, trong trường hợp này, hai bên thỏa thuận về tiền lương ngừng việc như sau:
- Trường hợp ngừng việc từ 14 ngày làm việc trở xuống thì tiền lương ngừng việc được thỏa thuận không thấp hơn mức lương tối thiểu
- Trường hợp phải ngừng việc trên 14 ngày làm việc thì tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận nhưng phải bảo đảm tiền lương ngừng việc trong 14 ngày đầu tiên không thấp hơn mức lương tối thiểu.
(Hiện hành chỉ quy định tiền lương ngừng việc do hai bên thoả thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định).
6. Thêm nhiều trường hợp NLĐ được nghỉ việc riêng và hưởng nguyên lương
Cụ thể, theo BLLĐ 2019, NLĐ được nghỉ việc riêng mà vẫn hưởng nguyên lương và phải thông báo với NSDLĐ trong những trường hợp sau đây:
- Kết hôn: nghỉ 3 ngày;
- Con đẻ, con nuôi kết hôn: nghỉ 1 ngày;
- Cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi của vợ hoặc chồng; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi chết: nghỉ 3 ngày.
Như vậy, so với quy định hiện hành, Bộ luật Lao động 2019 bổ sung thêm trường hợp cha nuôi, mẹ nuôi; cha nuôi, mẹ nuôi của vợ hoặc chồng chết thì NLĐ được nghỉ 3 ngày và hưởng nguyên lương.
Đồng thời, quy định rõ hơn trường hợp "con đẻ", "con nuôi" kết hôn thì được nghỉ 01 ngày (hiện hành, quy định "con" kết hôn thì nghỉ 01 ngày); "con đẻ", "con nuôi" chết thì được nghỉ 03 ngày (hiện hành quy định "con" chết thì nghỉ 03 ngày).
7. NLĐ được nghỉ 2 ngày dịp Quốc khánh 2/9 và hưởng nguyên lương
Kể từ năm 2021, NLĐ sẽ được nghỉ 02 ngày và hưởng nguyên lương vào dịp lễ Quốc khánh (hiện nay, NLĐ chỉ được nghỉ 01 ngày và hưởng nguyên lương vào ngày 02/9) theo một trong hai phương án sau do Thủ tướng Chính phủ quyết định:
- Phương án 1: Nghỉ vào ngày 1-9 và ngày 2-9.
- Phương án 2: Nghỉ vào ngày 2-9 và ngày 3-9.
8. NLĐ có thể nghỉ việc ngay không cần báo trước nếu không được trả lương đúng hạn
Cụ thể, theo Điểm b Khoản 2 Điều 35 BLLĐ 2019, thì NLĐ có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không cần báo trước cho NSDLĐ nếu không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn, trừ trường hợp quy định tại Khoản 4 Điều 97 BLLĐ 2019 (hiện hành phải báo trước 3 ngày).
9. Lao động nữ làm công việc nặng nhọc khi mang thai có thể được giảm bớt 01 giờ làm việc hằng ngày và hưởng nguyên lương
Khoản 2 Điều 137 BLLĐ 2019 quy định lao động nữ làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con khi mang thai và có thông báo cho NSDLĐ biết thì được NSDLĐ chuyển sang làm công việc nhẹ hơn, an toàn hơn hoặc giảm bớt 01 giờ làm việc hằng ngày mà không bị cắt giảm tiền lương và quyền, lợi ích cho đến hết thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
10. NLĐ được thưởng tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác
Căn cứ quy định tại Điều 104 BLLĐ 2019 thì thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà NSDLĐ thưởng cho NLĐ căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động (Bộ luật lao động hiện hành chỉ quy định về tiền thưởng);
Quy chế thưởng do NSDLĐ quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.
Tin, ảnh: A.Chi
Nguồn:https://nld.com.vn/cong-doan/diem-moi-ve-tien-luong-thuong-ma-nld-can-phai-biet-20200817073247807.htm
Các tin liên quan | Ngày đăng |
---|---|
Tổng LĐLĐVN kiểm tra thực hiện Đề án 1780 và Đề án 231 tại ĐBSCL | 25/06/2020 |
Đề xuất nghề giáo viên mầm non là nặng nhọc | 19/06/2020 |
Cảnh báo tình trạng thu gom sổ BHXH của người lao động | 17/06/2020 |
Chính sách mới áp dụng với cán bộ, công chức, viên chức từ 1-7-2020 | 16/06/2020 |
Đoàn viên công đoàn hiểu biết sâu sắc hơn về tư tưởng Hồ Chí Minh | 19/05/2020 |
Tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội - Hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó | 08/05/2020 |
Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 5-2020 người lao động nên biết | 07/05/2020 |
Chia sẻ khó khăn với người lao động bị cắt giảm | 09/04/2020 |