256 cán bộ tại huyện Kế Sách được bồi dưỡng nghiệp vụ Công đoàn
Sáng 25.10, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Kế Sách (tỉnh Sóc Trăng) tổ chức lớp bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ cán bộ Công đoàn năm 2024.
Lớp bồi dưỡng được tổ chức trong 2 ngày (25 - 26.10), 256 Cán bộ Công đoàn CĐCS trực thuộc LĐLĐ huyện được báo cáo viên thông tin các nội dung về công tác tổ chức - kiểm tra, công tác tài chính Công đoàn, nữ công - tuyên giáo và một số văn bản có liên quan.
256 cán bộ Công đoàn tập huấn về công tác tổ chức - kiểm tra, nữ công - tuyên giáo và tài chính công đoàn.
Theo đồng chí Võ Văn Ngon - Chủ tịch LĐLĐ huyện Kế Sách (tỉnh Sóc Trăng), việc tổ chức lớp bồi dưỡng nhằm cung cấp những kiến thức cơ bản về nghiệp vụ công tác Công đoàn, giúp cán bộ Công đoàn nắm vững nội dung, phương pháp hoạt động, nâng cao nghiệp vụ và kỹ năng hoạt động Công đoàn, nhất là các đồng chí mới tham gia Ban Chấp hành CĐCS. Qua đó, thực hiện tốt vai trò giám sát bảo vệ có hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng cho người lao động, làm tốt vai trò người đại diện, cầu nối giữa người lao động và người sử dụng lao động.
PHƯƠNG ANH

2 phương án tăng tuổi nghỉ hưu sẽ trình Quốc hội vào tháng 10 tới
Tại bản Dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi mới nhất vừa được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào ngày 20.9, đơn vị soạn thảo đã sửa đổi đề xuất về tăng tuổi nghỉ hưu so với các dự thảo trước đó.
Đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu đã nhận được sự quan tâm của người dân thời gian qua. Ảnh minh họa: HẢI NGUYỄN
Về tăng tuổi nghỉ hưu, các bản Dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi trước đây đề xuất 2 phương án tăng tuổi nghỉ hưu từ năm 2021, với nam tăng lên 62 tuổi, nữ tăng lên 60 tuổi. Các phương án đưa ra chỉ là mỗi năm tăng thêm 3 tháng hoặc 4 tháng.
Trên cơ sở còn có ý kiến khác nhau và đây là vấn đề có tác động lớn đối với người lao động và thị trường lao động, Ủy ban về các Vấn đề Xã hội đã đề xuất 2 phương án quy định tại khoản 2 Điều 169 về tuổi nghỉ hưu để Uỷ ban thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến.
Phương án 1: Luật chỉ chốt tuổi nghỉ hưu, còn lộ trình tăng ra sao do Chính phủ điều chỉnh.
Theo đó, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện làm việc bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với nam và đủ 60 tuổi đối với nữ.
Căn cứ theo ngành nghề, công việc, điều kiện lao động, nhu cầu thị trường, xu hướng già hóa dân số... Chính phủ quyết định lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu từ 1.1.2021.
Phương án này vẫn giữ đề xuất với người lao động làm việc trong lĩnh vực nặng nhọc, độc hại, suy giảm sức khỏe... được nghỉ hưu trước 5 năm; người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao được nghỉ hưu muộn hơn 5 năm so với tuổi trên.
Phương án 2: Đưa ra mốc năm để đạt tuổi hưu, còn Chính phủ quy đinh chi tiết về lộ trình tăng.
Theo đó, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện làm việc bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với nữ vào năm 2035.
Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu từ đủ 60 tuổi 3 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với nữ. Sau đó, mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với và 4 tháng đối với nữ.
Phương án này cũng giữ đề xuất với người lao động làm việc trong lĩnh vực nặng nhọc, độc hại, suy giảm sức khỏe... được nghỉ hưu trước 5 năm. Người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao được nghỉ hưu muộn hơn 5 năm so với tuổi trên.
Dự kiến, các đại biểu Quốc hội sẽ bỏ phiếu “chốt” phương án cuối cùng về việc tăng tuổi nghỉ hưu vào Kỳ họp Quốc hội tháng 10 tới đây.
Theo luật hiện hành, tuổi nghỉ hưu trong điều kiện bình thường là 60 tuổi với nam và 55 tuổi với nữ. Trường hợp làm việc trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, suy giảm sức khỏe... được nghỉ hưu trước 5 năm, lao động có chuyên môn kỹ thuật được nghỉ hưu muộn hơn 5 năm.
BÍCH HÀ
Nguồn:https://laodong.vn/xa-hoi/2-phuong-an-tang-tuoi-nghi-huu-se-trinh-quoc-hoi-vao-thang-10-toi-755918.ldo